Doanh nghiệp không đóng phí công đoàn sẽ bị xử phạt

(HQ Online)- Thông tin trên được ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tại buổi hội thảo “Những cập nhật trong Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn – Những tác động đến hoạt động của doanh nghiệp” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp cùng công ty Nhân Việt Management Group tổ chức ngày 4-12.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N.Hiền.

Hiện nay, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động và Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 95 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp. Theo đó, sẽ bổ sung hành vi không nộp phí công đoàn của doanh nghiệp vào diện bị xử phạt. Dự kiến nghị định sẽ được trình lên chính phủ và ban hành trong quý 1-2015.

Ngoài ra, sắp tới Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động sẽ ký kết chương trình phối hợp. Theo đó, giao cơ quan Thuế có trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra việc đóng thuế của doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả việc đóng phí bảo hiểm và phí công đoàn. Mới đây Cục thuế TP.HCM cũng đã ban hành văn bản số 7040 ngày 26-8-2014, quy định nếu hết thời hạn kê khai thuế mà doanh nghiệp không kê khai phần phí đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì sẽ không được khấu trừ vào phần chi phí hợp lý hợp lệ và không được giảm trừ trong thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Chính cho biết thêm, mức xử phạt hiện vẫn nằm trong dự thảo. Tuy nhiên, mức tối đa mà ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép trong việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của công đoàn là 75 triệu, bằng mức vi phạm của bảo hiểm xã hội. Trong đó các hành vi bị xử phạt gồm có: chậm nộp, không đóng đủ và không đóng toàn bộ. Đặc biệt, nếu không nộp, công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án.

Đại diện Văn phòng Luật Pricewaterhouse Coopers Việt Nam, bà Veera Maenpaa,  cũng chia sẻ, một kết quả khảo sát của Pricewaterhouse Coopers Việt Nam trên 1.000 doanh nghiệp tại Việt nam cho thấy, có 60% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và 40% không có công đoàn. Tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp muốn đóng phí công đoàn theo quy định của luật, nhưng lại không biết đóng như thế nào và đóng ở đâu.

Ông Mai Văn Chính cho biết, trách nhiệm thông báo về việc thu phí công đoàn thuộc về công đoàn cấp trên hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố. Sắp tới Tổng LĐLĐ sẽ yêu cầu công đoàn cấp trên trực hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố thông báo cho các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn về việc đóng phí công đoàn, bao gồm cách nộp, địa điểm và thời gian nộp.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.