Xây dựng lộ trình đến đích 90% người tham gia BHYT

Trong hội nghị giao ban công tác y tế quý I/2015 diễn ra sáng 15/4, hai vấn đề “sát” người dân nhất hiện nay là tiêm chủng và thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) được nhắc đến nhiều nhất với cả sự rốt ráo lẫn lo lắng. Bởi để đến được “đích” 100% (tiêm chủng) và 90% (BHYT vào năm 2020), còn cần sự trợ lực để vượt qua được những rào cản phía trước.
Quận, huyện cùng quản lý đối tượng tiêm chủng
Thống kê của ngành y tế cho thấy, trong quý I/2015, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái với 46.742 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine (tăng 5,37%); 13.178 trẻ được tiêm viêm gan B sơ sinh (tăng 1,3%); 85.666 trẻ đủ 18 tháng được tiêm nhắc lại mũi 2 vaccine sởi (tăng 9,78%); 40.545 phụ nữ có thai được tiêm vaccine uốn ván (vượt 4,23% so với tiến độ năm 2015). Đặc biệt, toàn TP có 1.554.839 trong tổng số 1.576.419 trẻ từ 1 – 14 tuổi được tiêm chủng đủ 2 mũi sởi và 1 mũi rubella (đạt 98,63%). Và từ tháng 4/2015, tất cả các xã phường bắt đầu tiêm vaccine viêm não Nhật Bản trong buổi tiêm chủng thường xuyên.

Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội .	 Ảnh: Phạm Hùng

Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội . Ảnh: Phạm Hùng

Khẳng định Hà Nội luôn đi đầu trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đã quản lý được trên 80% đối tượng tiêm chủng mở rộng (TCMR), song ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, một trong những “cái khó” để tăng tỷ lệ TCMR là việc rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng. “Đầu tư để thực hiện 2 lần/năm việc khảo sát, lên danh sách đối tượng tiêm chủng rất lớn, song kết quả vẫn chưa được như ý muốn. Có huyện quản lý được đến 90% đối tượng thuộc diện này, song “mắc” lại ở một số quận, vì người dân còn những e ngại đối với TCMR. Vì vậy, chúng tôi đề xuất TP yêu cầu các quận, huyện, xã, phường hàng tháng lập danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng trên địa bàn cung cấp cho y tế, từ đó có những căn cư để tăng tỷ lệ TCMR” – ông Cảm đề xuất.
Trước tình trạng người dân xếp hàng chờ tiêm dịch vụ, chờ vaccine, ông Nguyễn Nhật Cảm cho hay, hiện tại 584/584 xã, phường đã có điểm tiêm chủng, TP đã yêu cầu các điểm tiêm chủng này thực hiện tiêm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và khắc phục tình trạng thiếu vaccine dịch vụ, ông Cảm đề xuất, đợt tới cho triển khai việc đăng ký để ngành y tế dự phòng dự trù đủ lượng vaccine cần thiết.
Có lộ trình cụ thể để tăng tỷ lệ người tham gia BHYT
Vấn đề đặt ra cho Hà Nội hiện nay là làm thế nào để tới được đích 90% tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào năm 2020 mà Chính phủ đã yêu cầu. Bởi nếu không thực hiện được, tới đây tăng giá dịch vụ y tế, người không có BHYT rất khó khăn khi phải vào viện.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, tới đây, khi thực hiện tăng giá 7/7 yếu tố cấu thành viện phí, đối tượng nghèo và cận nghèo đã được TP hỗ trợ 100%, song vẫn sẽ có một số đối tượng “nhạy cảm”. Khi đó người dân có mức sống trung bình (chỉ được hỗ trợ 30%) và người lao động làm việc ở các DN tư nhân không đóng BHYT – những người mà theo lời ông Hòa “vào viện 1 lần, ra viện là thành người nghèo”. Vì vậy, tăng tỷ lệ người tham gia BHYT là việc không thể không làm.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho biết, số lượng người dân tham gia BHYT đã có những bước tiến rõ rệt, cụ thể cho đến thời điểm này là 331.000 người (cùng kỳ năm ngoái là 283.000 người). Theo kế hoạch đặt ra, từ giờ đến cuối năm Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ 75% người dân tham gia BHYT, và từ 2015 đến 2020 phải đạt được tỷ lệ 90%. Như vậy, tính ra mỗi năm phải tăng được 3% tỷ lệ người dân tham gia BHYT, mà việc vận động người dân ngày càng khó khăn hơn. Vì thế “tới đây, BHXH đề xuất sẽ giao chỉ tiêu cho các quận huyện để thực hiện, đồng thời xin ý kiến UBND TP xây dựng Đề án Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân” – ông Hòa đề xuất.
Trước các vấn đề đặt ra của ngành y tế Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các đơn vị rà soát lại các phần việc, chương trình… đang thực hiện, phần việc nào chưa đạt, cần chủ động hoàn thành. Riêng với công tác phòng chống dịch bệnh, cần tập trung vào vấn đề tiêm chủng, chú trọng đến nhu cầu của người dân. “Nếu người dân cần dịch vụ chất lượng cao, thì phục vụ chất lượng cao” – bà Ngọc nhấn mạnh.
Nhất trí với đề xuất xây dựng lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, giao chỉ tiêu cho từng quận, huyện để đảm bảo đến năm 2020 có 90% người Hà Nội tham gia BHYT, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành y tế khảo sát lại việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế để đề xuất lộ trình cụ thể trình HĐND TP xem xét. Ngoài ra, ngành y tế cần tiếp tục đổi mới quy trình khám chữa bệnh, thực hiện quy tắc ứng xử trong bệnh viện, giám sát chặt và giao trách nhiệm cụ thể trong việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể…

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ktdt.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.