Vì sao giảm phí bảo hiểm rủi ro tín dụng

Kinh tế vĩ mô được cải thiện là nguyên nhân chính giúp phí bảo hiểm rủi ro tín dụng tại Việt Nam và hầu hết các nước ASEAN giảm trong năm qua.

Hợp đồng hoán đổi nợ (CDS) là cam kết giữa hai bên nhằm chuyển giao rủi ro tín dụng của một nhà phát hành công cụ nợ. Cơ chế hoạt động của CDS giống như hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, người mua hợp đồng này sẽ được bảo hiểm về rủi ro tín dụng và người bán sẽ phải đảm bảo về “độ tin cậy” của chứng khoán nợ đó.

Giảm phí bảo hiểm rủi ro tín dụng
Kinh tế vĩ mô được cải thiện là nguyên nhân chính giúp phí bảo hiểm rủi ro tín dụng tại Việt Nam giảm trong năm qua

CDS quốc gia là hợp đồng bảo hiểm đối với các loại trái phiếu do Chính phủ phát hành. Nhà đầu tư sẽ phải trả một khoản phí đối với bên cung cấp dịch vụ, giống như các loại phí bảo hiểm thông thường. Độ tín nhiệm của nhà phát hành càng thấp, phí bảo hiểm rủi ro sẽ càng cao.

Hợp đồng CDS được giao dịch trên thị trường tài chính. Mức phí bảo hiểm tại từng quốc gia chịu ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế cũng như trong nước. Ví dụ, lạm phát tại nước A cao hơn sẽ khiến nhà đầu tư thấy nước này rủi ro hơn, do đó, phí bảo hiểm tại nước này sẽ cao hơn. Hay xung đột ở Ukraine trong năm qua trở nên căng thẳng hơn cũng khiến nhà đầu tư chuyển dòng vốn đến các quốc gia an toàn hơn như Mỹ, khiến phí CDS tại các quốc gia mới nổi tăng lên.

Năm 2014, mức phí CDS của Việt Nam đã giảm 65 điểm (1 điểm cơ bản = 1/100) và đóng cửa ở mức 197. Điều này chủ yếu nhờ tình hình vĩ mô của Việt Nam dần ổn định và hồi phục trong năm qua. Yếu tố được cải thiện rõ rệt nhất là lạm phát, đang dần được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%, giảm mạnh từ mức hơn 20% trong năm 2011.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trưởng chậm lại đã cho phép Chính phủ cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm 2014. Lãi suất trần đối với tiền gửi nội tệ tính chung đã giảm 1,5 điểm phần trăm và được duy trì ở mức 5,5%/năm từ tháng 10 năm ngoái. Lãi suất cho vay cũng giảm khoảng 1 điểm phần trăm, xuống còn 7%/năm đối với các khoản vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, sản xuất nông thôn, xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì ở mức khá cao, với mức tăng bình quân 3 năm qua đạt 5,6%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 4,5% GDP cả nước trong giai đoạn 2011 – 2013, giúp cán cân thanh toán thặng dư và tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (hơn 35 tỷ USD). Việc này đã giúp ổn định đồng nội tệ và chỉ bị giảm giá nhẹ trong năm qua.

Kinh tế vĩ mô được cải thiện và thực tế này đã được các nhà xếp hạng tín nhiệm quốc tế như S&P, Moody’s và Fitch ghi nhận. Cụ thể, tháng 7/2014, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên B1 (triển vọng ổn định). Sau đó, Fitch cũng điều chỉnh xếp hạng Việt Nam lên mức BB- (triển vọng tích cực) vào đầu tháng 10/2014.

CDS của các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng giảm trong năm 2014, với mức giảm lần lượt là 26 điểm, 76 điểm và 24 điểm, đóng cửa ở mức tương ứng là 102 điểm, 157 điểm và 90 điểm.

CDS của Indonesia giảm mạnh nhất trong năm ngoái, khi quốc gia này đã trải qua hai sự kiện lớn: cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 7 và việc giá dầu thô thế giới giảm. Là nhà nhập khẩu dầu lớn,

Indonesia đã tiết kiệm ngân sách đáng kể và dự kiến dành nguồn lực này để đầu tư vào kết cấu hạ tầng và các dự án công cộng.

Trong khi đó, sự kiện lớn nhất ảnh hưởng tới CDS của Thái Lan năm 2014 là tin đồn chính trị liên quan tới cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Các cuộc biểu tình chống Chính phủ lần đầu tiên nổ ra vào ngày 31/10/2013. Các quỹ tài chính thế giới khi đó đã rút vốn khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng trì hoãn kế hoạch đầu tư của mình. Thời điểm đó, CDS của Thái Lan đã tăng khoảng 30 điểm cơ bản. Tuy nhiên, tình hình đã ổn định trở lại khi Tướng Prayuth Chan-ocha chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng (ngày 25/8).

Còn tại Philippines, CDS giảm dần trong năm 2014. Điều này cho thấy, nền kinh tế Philippines đã liên tục cải thiện. Tăng trưởng GDP của Phillipines đạt 6,9% trong quý IV/2014, mức tăng cao nhất kể từ quý III/2013. Yếu tố chính giúp GDP tăng trưởng mạnh là mức tăng trưởng hai con số của ngành xây dựng và xuất khẩu. Mức phí CDS đã giảm xuống dưới 100 và đóng cửa ở mức 90 vào cuối tháng 12/2014, từ mức trung bình là 108 trong năm 2013.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baodautu.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.