Trong 8 tháng, cả nước tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động

VOV.VN -Ước tính đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,8-6%, giảm khoảng 1,8 đến 2% so với cùng kỳ năm 2013.

Ngày 25/9,  Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bắt đầu phiên họp lần thứ 9, thảo luận về lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Báo cáo tình hình thực hiện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 8 tháng qua, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động, đạt trên 64% kế hoạch. Công tác chăm sóc người có công tiếp tục có những cải thiện đáng kể, đặc biệt, nhiều khoản trợ cấp, ưu đãi thường xuyên được chi trả đầy đủ cho trên 1,5 triệu đối tượng người có công. Ước tính đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,8-6%, giảm khoảng 1,8 đến 2% so với cùng kỳ năm 2013. Công tác dạy nghề tiếp tục đổi mới, gắn với thị trường lao động. Tuy nhiên, chất lượng dạy nghề còn hạn chế, đặc biệt đối với vùng nông thôn, miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 9 

Về giải pháp khắc phục tình trạng đào tạo nghề, hướng đến giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Đồng bào dân tộc khó khăn chủ yếu về dân trí và cơ sở hạ tầng, Chính phủ cũng dành ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Về dân trí được ưu tiên học, học nghề cho đồng bảo người dân tộc có thể giảm nghèo bền vững nhưng vẫn còn hạn chế. Nhu cầu đi học, điều kiện đi học thì hầu như họ chưa mặn mà. Vì vậy, Chính phủ cũng đã ưu tiễn hình thành trường dạy nghề cho đồng bào dân tộc hoặc trong các trường dạy nghề cần chuyên dạy nghề cho đồng bào dân tộc cho phù hợp. Thứ hai là cho các học sinh ở vùng dân tộc có chế độ nội trú để bà con đi học. Để giải quyết vấn đề này thì vẫn tiếp tục cần đầu tư hơn những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho bà con”.

Về lộ trình đóng bảo hiểm xã hội theo lương, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: “Ý kiến có thể khác nhau, nhưng chúng ta cần lựa chọn giải pháp hợp lý nhất trong tình hình hiện nay. Chúng ta muốn 2015, phải đóng bảo hiểm xã hội theo lương quy định, nhưng thực tế không thể thực hiện nên ta phải chấp nhận lộ trình là đến năm 2018. Do đó, buộc phải công bố tiền lương tối thiểu hàng năm. Hai là nâng cao chất lượng an sinh bằng việc tiếp tục mở rộng các đối tượng, có sự hỗ trợ của nhà nước và căn cứ đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tiền lương. Những điểm quan trọng được thiết lập sẽ để lại những quyết định quan trọng trong chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam”./.

Bảo hiểm Bảo Việt (theo vov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.