Trăn trở của người già khi tới bệnh viện

Đến với những bệnh viện lớn ở Hà Nội và nhiều bệnh viện khác ở các tỉnh, thành phố thấy còn nhiều bất cập, mặc dù Bộ Y tế và các bệnh viện đã cố gắng đổi mới để việc khám chữa bệnh được nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tuy vậy, nơi phòng khám vẫn ồn ào, thiếu sắp xếp khoa học khiến người bệnh phải vòng vo qua nhiều “cửa ải” đến chóng mặt từ khâu phải dậy sớm để xếp sổ lấy số đến xếp hàng đo huyết áp và đi tìm phòng, đợi chờ để được khám bệnh. Sau đó, người bệnh lại phải xếp hàng lấy thẻ bảo hiểm và lại xếp hàng đi lấy thuốc ở nơi khác… Là một người bệnh cao tuổi từng phải vượt qua những thủ tục rườm rà ấy, tôi thấy các bệnh viện cần sắp xếp, cải tiến lại một cách hợp lí để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đi khám bệnh.

Đối tượng đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện thuộc nhiều lứa tuổi nhưng không ít NCT đã về hưu, sức khỏe giảm sút. Nhìn các cụ già với mái đầu bạc, bước chân chậm chạp, mắt kém và tai nghễnh ngãng, mệt mỏi, người đứng người ngồi cố căng tai, căng óc để nghe cô nhân viên gọi tên qua loa trong một không gian chật chội, ồn ã của phòng chờ. Sự chờ đợi của người bệnh nếu nhanh cũng nửa ngày, có khi cả ngày để làm các thủ tục khám bệnh, khiến tâm trí mệt mỏi. Đó là chưa kể đến nỗi khổ của những người già khi không may bị mất sổ khám bệnh, bị thất lạc thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân dân mà không biết hỏi ở đâu, tìm ở đâu.

Ngồi trong phòng chờ, những người bệnh già thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau, những người đã từng cống hiến cả cuộc đời cho đất nước mà thấy chạnh lòng trước sự vô tâm của không ít các nhân viên y tế, các thầy thuốc qua thái độ thiếu thân thiện; qua nét mặt, lời nói lạnh lùng. Nhiều người tâm sự: Đến bệnh viện mà thần kinh căng thẳng với nỗi lo lắng nhiều mặt, thường thì huyết áp cao hơn ở nhà.

Vẫn biết rằng, việc khám chữa bệnh của các thầy thuốc hiện nay ở nhiều bệnh viện còn nhiều bất cập trong điều kiện làm việc, tình trạng quá tải do đông bệnh nhân khiến các thầy thuốc cũng bị ức chế về mặt tâm lí.

Nói đến y đức là vấn đề lớn, trọng đại của người thầy thuốc trong cả cuộc đời được biểu hiện từ quan điểm phục vụ đến lương tâm, tình cảm của người thầy thuốc trong việc, cứu chữa người bệnh. Chỉ cần một nét mặt vô cảm, một câu trả lời cụt lủn, khô khan đại loại như: “Đi gặp bác sĩ mà hỏi”, “Cứ uống thuốc theo đơn”… của các thầy thuốc là người bệnh cảm thấy bị hụt hẫng, xúc phạm.

Đối với con người trong cuộc sống hằng ngày, vai trò của bệnh viện và các thầy thuốc là vô cùng cần thiết và quan trọng trong việc tư vấn, chăm sóc, chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là NCT. Việc làm nhân ái vì con người của các thầy thuốc luôn được xã hội ca ngợi, biết ơn. Tuy vậy, người thầy thuốc cũng cần nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp và thể hiện một phong cách giao tiếp ân cần, thanh lịch để hình ảnh người thầy thuốc luôn đẹp trong tâm thức mỗi người

 Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nguoicaotuoi.org.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.