TQ bước vào cuộc đua thâu tóm bất động sản Mỹ

Ngày 8/10, Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã mua lại khách sạn hạng sang nổi tiếng Waldorf Astoria tại New York của Tập đoàn Khách sạn Hilton với giá gần 2 tỷ USD. Đây có thể coi như một thương vụ mua tài sản đơn lẻ lớn nhất tại New York trong năm nay.

Cùng ngày hôm đó, chính phủ Trung Quốc đồng thời nới chính sách đầu tư ra nước ngoài, cho phép các công ty đầu tư mà không cần chờ phê duyệt. Giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu của một cuộc đua đang bắt đầu.

The Real Deal, tờ báo chuyên về bất động sản của thành phố New York nhận định: Việc một tài sản lớn bậc nhất New York về tay một công ty bảo hiểm Trung Quốc có thể là dấu hiệu một cuộc đua thâu tóm bất động sản đang bắt đầu.

 - 1

 Waldorf Astoria và tòa nhà của Anbang

Lợi thế về chính sách

Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin thân cận với thương vụ này cho biết, Anbang đã đánh bại ít nhất 2 đối thủ để đi tới một chiến dịch lấn sân vào thị trường khách sạn này.

 

Cùng ngày thương vụ này được công bố, chính sách mới do Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành chính thức có hiệu lực, cho phép các dự án đầu tư ở nước ngoài không cần chờ phê duyệt, trừ khi nhà đầu tư đổ tiền vào các ngành hoặc các quốc gia được coi là nhạy cảm với chính phủ nước này, Tạp chí Opp Conect đưa tin.

Chính sách này sẽ giúp các công ty, tập đoàn Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đầu tư ra nước ngoài.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã dự báo về một làn sóng đầu tư vào tài sản thương mại ở nước ngoài khi chính phủ nước này cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào bất động sản ở nước khác. Đến tháng 12/2013, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng đã tăng hạn ngạch từ 100 triệu USD lên 1 tỷ USD đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài cần được phê duyệt.

Theo công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL), kể từ khi việc tăng hạn ngạch đầu tư ra nước ngoài được phê duyệt, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng lên 17%.

Không dừng lại ở New York

“Các nhà đầu tư Trung Quốc đang nghiên cứu thị trường New York” – James Murphy, Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh và đầu tư của Công ty tư vấn bất động sản Colliers International, cho biết. “Khi các nhà đầu tư Trung Quốc phát hiện ra một điều gì đó mà họ có thể cạnh tranh, hiển nhiên là họ sẽ chứng tỏ rằng mình có khả năng chốt thương vụ”.

Những người trong giới cũng cho biết, các công ty bảo hiểm lớn của Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mua lại các tài sản của New York, thậm chí là sang tận nơi để kiểm tra khu vực muốn mua. Tuy nhiên, trước khi có thông báo chính thức về thương vụ của Anbang, chưa một công ty bảo hiểm nào quyết định chốt hạ thương vụ của mình. Một trong những lý do trì hoãn là do tính thận trọng trong việc sử dụng dòng vốn – tính đặc trưng của giới bảo hiểm.

Thương vụ này diễn ra khi việc đầu tư vào bất động sản New York của giới đầu tư Trung Quốc đang trên đà leo dốc. Năm 2013, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt Canada để trở thành nước đầu tư lớn nhất tại thành phố này trong phân khúc bất động sản văn phòng với 2 thương vụ có tổng trị giá hơn 1,4 tỷ USD.

Hai thương vụ này là thương vụ mua lại One Chase Manhattan Plaza của Fosun International – Trung Quốc – với giá 725 triệu USD và thương vụ mua lại tòa cao ốc GM Building của Zhang Xin – nhà đồng sáng lập Soho Trung Quốc – cùng một nhà đầu tư Brazin với giá 700 triệu USD.

Kể từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng tập đoàn Fosun có trụ sở tại Thượng Hải đã chi tới 3,7 tỷ USD cho các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài, báo cáo của Bloomberg cho biết.

Các công ty đầu tư và công ty bảo hiểm Trung Quốc rất khôn ngoan và có khả năng xử trí một số rào cản khi cạnh tranh với các nhà thầu nội địa, ông Dan Cashdan – Giám đốc Quản lý cấp cao của Chứng khoán HFF nói với The Real Deal. “Các công ty bảo hiểm Trung Quốc sẽ gia nhập thị trường. Họ chỉ cần tìm ra chiến lược nào tiếp theo và ai là đối tác hợp lý” – ông Cashdan cho biết thêm.

Ông Brendon Frye – quản lý cấp cao của Colliers International tại Hong Kong cho biết: New York không phải là thị trường duy nhất ở Mỹ mà các nhà đầu tư Trung Quốc đang thâm nhập. Các tập đoàn bảo hiểm lớn của nước này cũng đang “dòm ngó” tới Chicago, San Francisco và Los Angeles cũng như các thị trường thứ ba như Seattle.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo khampha.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.