Tín hiệu tích cực từ các giải pháp tái cấu trúc DN bảo hiểm

(HQ Online)- Năm 2014, Bộ Tài chính đã tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và thu được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2014, 8 DNBH hoàn thành tăng vốn điều lệ với tổng số tiền là 2.037,14 tỷ đồng. Ảnh internet.

An toàn và hiệu quả

Một trong những kết quả nổi bật của các giải pháp tái cấu trúc chính là nâng cao mức độ an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động đầu tư của các DNBH.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2014, 8 DNBH hoàn thành tăng vốn điều lệ (trong đó có 4 DNBH phi nhân thọ, 3 DNBH nhân thọ) với tổng số tiền là 2.037,14 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 DNBH phi nhân thọ đã được chấp thuận tăng vốn với tổng số tiền là 832 tỷ đồng và 1 DNBH nhân thọ (Great Eastern) được chấp thuận tăng vốn thêm 90 tỷ đồng.

Theo đánh giá, 43/45 DNBH (trừ công ty bảo hiểm Viễn Đông và Công ty cổ phần bảo hiểm Xuân Thành) đảm bảo an toàn về vốn theo quy định.

Những số liệu đó là sự cụ thể hóa của các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn tài chính của DNBH mà cụ thể là đảm bảo vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ đã góp và tương ứng với quy mô, phạm vi và địa bàn hoạt động của DNBH; duy trì khả năng thanh toán; thực hiện đầu tư theo nguyên tắc an toàn, thận trọng, thanh khoản và kiểm soát hạn mức đầu tư.

Đặc biệt, trong năm qua, cơ quan quản lý bảo hiểm đã yêu cầu một số DNBH phi nhân thọ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư tài chính, trích lập dự phòng bồi thường bảo hiểm và sử dụng quỹ dự phòng dao động lớn.

Cũng trong năm 2014, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các DNBH triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường hiệu quả kinh doanh của các DNBH.

Cụ thể, đã phê chuẩn 9 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và 49 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (nâng tổng số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường lên 395 sản phẩm); đôn đốc các DNBH nộp báo cáo tài chính có xác nhận kiểm toán phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý đã tiến hành làm việc trực tiếp với các DNBH phi nhân thọ về dự thảo Quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới; triển khai phê chuẩn quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới của các DNBH; tổ chức, tham dự ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác thí điểm bảo hiểm xe cơ giới; triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới…

Đa dạng hóa với sản phẩm mới

Công tác tái cấu trúc DNBH không chỉ dừng lại ở đó, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích các DNBH triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an sinh xã hội cũng được Bộ Tài chính chú trọng. Điều này thể hiện qua việc kết quả tổng kết hiệu quả của các sản phẩm bảo hiểm mới.

Đối với bảo hiểm bảo lãnh, ngày 9-7-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo đó, bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh thuộc bảo hiểm Phi nhân thọ.

Nghị định này được ban hành tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các DNBH triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh, góp phần đa dạng hóa sự lựa chọn của khách hành về các giải pháp đảm bảo an toàn tài chính và góp phần phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam

Trong bảo hiểm thủy sản, triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC, Thông tư số 116/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm thủy sản.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chấp thuận 4 DNBH đủ điều kiện tham gia triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; chấp thuận đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm khai thác hải sản; phối hợp với các tỉnh, thành phố, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn cho đại diện các địa phương tại 2 miền Nam Bắc về chính sách bảo hiểm.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các DNBH tổ chức triển khai thực hiện.

Về bảo hiểm hưu trí, sau khi Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện, đến nay, toàn thị trường có 4 DNBH đã triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện là Manulife, AIA, Daiichi, PVI Sun Life.

Tổng doanh thu phí từ sản phẩm bảo hiểm này cả năm 2014 ước đạt 140 tỷ đồng với 250.000 người tham gia bảo hiểm.

Sau 3 năm thực hiện (2011-2013) bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, chương trình thí điểm đã kết thúc, các DNBH đã cấp được tổng số 46 hợp đồng bảo hiểm trong đó có 23 hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp bảo hiểm cho cả doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán hàng nội địa.

Tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giữa năm 2014, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới các DNBH phi nhân thọ thông báo kết thúc chương trình thí điểm, đồng thời hướng dẫn các DNBH tham gia chương trình thí điểm thực hiện quyết toán, khuyến khích DNBH chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như 1 sản phẩm tự nguyện. Nhà nước sẽ có hỗ trợ kinh phí tuyên truyền khi DNBH có nhu cầu.

Cùng thời gian thí điểm với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng đã kết thúc vào cuối năm 2013.

Theo số liệu tổng kết của Bộ Tài chính được công bố năm 2014, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp, trong đó có 236.397 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm cây lúa; 60.133 hộ nông dân tham gia bảo hiểm vật nuôi; 7.487 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản.

Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm thủy sản là 218,1 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm cây lúa là 91,9 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm vật nuôi là 83,9 tỷ đồng.

Tổng số tiền bồi thường là 707,4 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền bồi thường bảo hiểm cây lúa là 15,5 tỷ đồng; vật nuôi là 13,8 tỷ đồng; thủy sản là 678 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án mở rộng bảo hiểm trong nông nghiệp, trong đó, dự kiến mở rộng và tiếp tục triển khai đối với bảo hiểm cây lúa và gia súc.

Những kết quả này đã phần nào đóng góp vào sự phát triển toàn diện của thị trường bảo hiểm năm 2014 vừa qua.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.