Tiến tới BHYT toàn dân

Kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công BHYT toàn dân cho thấy, không có quốc gia nào thành công BHYT dựa trên cơ sở tự nguyện. Chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân.

Có bệnh mới “nhớ” đến BHYT

Không thể phủ nhận hiện nay chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), cũng như vấn đề sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, phiền hà. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến nhiều người dân không tham gia BHYT cũng một phần do tiếc tiền, mặt khác là vì thu nhập không đủ sống, nên nhiều người dân chỉ mua BHYT khi bị bệnh phải điều trị lâu dài.

BN 300614.jpg
Khuyến khích người dân chủ động tham gia BHYT

Chưa kể, nhiều người dân thường có suy nghĩ chủ quan, tưởng mình có sức khỏe rất tốt nên đã không mua BHYT, nhưng đến khi đột ngột bệnh nặng, họ phải nằm viện điều trị với chi phí rất tốn kém.

Đối với những gia đình có điều kiện, khi phải thanh toán một khoản viện phí lớn đôi khi còn cảm thấy hối tiếc vì “chót” bỏ qua BHYT, huống chi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả, phải chạy đôn chạy đáo hỏi vay mượn tiền để thanh toán viện phí, thì quả thực đó là một gánh nặng. Đã có nhiều trường hợp người bệnh vừa thoát được bệnh tật lại lâm vào cảnh nợ nần “chồng chất” vì viện phí.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hiền (53 tuổi, ở Hưng Yên) là một ví dụ. Lâu nay chị không mua BHYT, bởi chị nghĩ: “Mua làm gì cho tốn tiền, sức khỏe của mình mình biết chứ, có mấy khi ốm đau bệnh tật gì đâu, nếu có cũng chỉ nhức đầu, sổ mũi thông thường, uống vài viên thuốc là khỏi, việc gì phải bỏ mấy trăm nghìn mua BHYT cho phí”.

Nhưng vừa rồi, chị bỗng dưng bị đau bụng dữ dội, đi viện khám bác sĩ kết luận chị bị sỏi thận, cần phải phẫu thuật để lấy sỏi. Vậy là chỉ tính riêng chi phí cho ca phẫu thuật đã hết đến cả trăm triệu đồng, chưa kể thuốc thang và chi phí ăn ở, đi lại hàng tháng nằm viện.

“Giờ nghĩ lại thấy mình dại, mỗi năm cứ bỏ vài trăm nghìn, coi như mua sức khỏe. Nếu không ốm đau bệnh tật thì tốt, còn nếu chẳng may có bị làm sao thì đã có BHYT gánh. Chứ như tôi bây giờ, lại khốn khổ vì tiền viện phí. Gia đình phải “chạy vạy” khắp nơi mới đủ số tiền đó. Không biết đến khi nào tôi mới làm ra số tiền lớn như vậy để đủ trả nợ”, chị Hiền tiếc nuối.

Cũng sống trong cảnh bệnh tật như chị Hiền, chị Vũ Thị Hạnh (47 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) mắc căn bệnh suy thận mãn tính đã nhiều năm nay. Trước kia, chị Hạnh cũng chưa từng nghĩ đến chuyện mua BHYT để “phòng thân”, nhưng sau một năm phát hiện và điều trị căn bệnh này mà chưa kịp mua BHYT, chi phí điều trị lên đến hơn trăm triệu đồng, nên chị nhanh chóng nhờ người mua cho cái thẻ BHYT.

Nhờ đó, đến nay chị chỉ phải chi trả mỗi năm khoảng hơn chục triệu. Nhận thấy lợi ích của việc dùng BHYT, chị Hạnh đã khuyên cả nhà cùng mua để phòng khi những lúc ốm đau, còn nếu không làm sao thì càng tốt.

Chỉ có bắt buộc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, người dân chưa coi BHYT như là “bùa hộ mệnh” của mình mà chỉ khi ốm đau mới tự nguyện tham gia. “Với mệnh giá như hiện nay, gói dịch vụ y tế của chúng ta khá ưu việt. Đó là quyền lợi mà người dân được hưởng nếu chẳng may ốm đau vì các dịch vụ y tế cơ bản sẽ được BHYT thanh toán”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Có những người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia BHYT, nhưng khi bị bệnh tật đe dọa lại tìm mọi cách để có được thẻ bảo hiểm. Nhận thức sai lệch này chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực tế hiện nay là hơn 30% người cao tuổi không có bất kỳ một hình thức BHYT nào. Hơn 40% số họ vẫn phải tự chi trả cho việc điều trị và thuốc men cần thiết, tỷ lệ chi trả từ BHYT chỉ chiếm khoảng 15%.

Kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công BHYT toàn dân cho thấy, không có quốc gia nào thành công BHYT dựa trên cơ sở tự nguyện. Chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân.

Nguyên nhân dẫn đến việc khó đạt được mục tiêu BHYT toàn dân với hình thức tự nguyện còn xuất phát từ chính thực trạng sử dụng quỹ BHYT và cách hành xử của các bệnh viện. Rồi quỹ BHYT chặt chẽ trong từng khoản chi và còn cả những điều chưa minh bạch trong việc thu chi quỹ BHYT…

Ngoài ra, cũng phải kể đến những trường hợp khó khăn, những đối tượng thu nhập thấp, đối tượng chính sách. Bởi vậy để thực hiện mục tiêu này, Luật quy định BHYT bắt buộc cùng với quy định giảm mức đóng. Nhà nước hỗ trợ ngân sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao ý thức, chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình mình và xã hội.

Theo Hoàng Phương (TBNH)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.