Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái

(BVPL) – Thiết kế của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện không có các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động. Điều này đã vô tình trở thành rào cản khiến rất ít phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia vào hệ thống an sinh xã hội này. Thậm chí, ngay cả trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tỷ lệ tham gia của phụ nữ cũng vẫn thấp hơn nam giới. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)  vừa được tổ chức tại TP. Hà Nội.

 Chưa đến 1% lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, dẫn đến sự tham gia của phụ nữ vào an sinh xã hội bị chậm trễ.
Chưa đến 1% lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, dẫn đến sự tham gia của phụ nữ vào an sinh xã hội bị chậm trễ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (ILSSA) cho biết: Hiện nước ta có khoảng 11 triệu người đóng BHXH, trong đó 98% thuộc khu vực lao động chính thức. Trong khi đó, phụ nữ chiếm tới hơn 60% trong khu vực lao động này. Như vậy, có thể thấy phụ nữ thuộc đối tượng này được đóng BHXH không nhiều vì hiện chưa đến 1% lao động phi chính thức tham gia. Do đó, sự tham gia của phụ nữ vào an sinh xã hội đang bị chậm trễ.

Bà Hương cho biết: Bản thân chính sách của chúng ta cũng khiến phụ nữ bị thiệt thòi. Theo thiết kế chính sách của BHXH bắt buộc, phụ nữ được hưởng 5 chế độ, còn đối với BHXH tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ dài hạn đó là hưu trí và tử tuất; còn 3 chế độ ngắn hạn rất quan trọng đối với người lao động nói chung, phụ nữ nói riêng là thai sản, ốm đau, tai nạn lao động thì họ không được hưởng. Chính vì vậy, đây là rào cản của chính sách đối với phụ nữ. Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh đến nông nghiệp và thủy sản, những ngành này lại là một trong những nguồn sinh kế chính của phụ nữ, vì vậy, việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái đang rất cần được chú trọng.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, tuy nhiên định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn đến việc phụ nữ bị hạn chế trong việc tham gia vào thị trường lao động. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, rất nhiều phụ nữ bị trả công rẻ mạt, thu nhập thấp hơn nam giới, đặc biệt thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội. Do đó, chúng ta phải chắc chắn rằng các chính sách và chương trình về an sinh xã hội có xem xét các yếu tố về giới. Những nhu cầu, mong muốn, trách nhiệm và khác biệt về vai trò giới phải được xem xét kỹ càng khi xây dựng các chương trình và chính sách về an sinh xã hội. Bởi vậy, tại Hội thảo, các đại biểu là chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực an sinh xã hội, kinh tế và giới đã chia sẻ kinh nghiệm và thông tin trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Những ý kiến đóng góp và khuyến nghị của các đại biểu tại hội thảo, cùng kết quả nghiên cứu trong báo cáo: “Đánh giá hệ thống an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do ILSSA và UN Women thực hiện sẽ giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện và phát triển hệ thống chính sách về an sinh xã hội có nhạy cảm giới trong thời gian tới.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baobaovephapluat.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.