Thông qua Luật tổ chức Quốc hội và BHXH

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII, sáng nay 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 dự án luật là Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với đa số ý kiến đồng ý.

Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) bao gồm 7 chương, 102 điều, tăng 1 chương và giảm 10 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp trước. Luật  quy định tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kỳ họp của Quốc hội và chức năng, nhiệm vụ của các hội đồng, ủy ban của Quốc hội.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử làm đại biểu Quốc hội, tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.

Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua bao gồm IX chương, 125 điều quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Điểm mới trong quy định tại Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa thông qua là: Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

Các luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Cũng trong chương trình làm việc ngày hôm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, biểu quyết thông qua Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch và thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baodautu.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.