Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi có hiệu lực được hơn ba tháng. Mặc dù luật mới có nhiều ưu điểm, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho người bệnh và cả những người làm công tác BHYT. Vấn đề này cần sớm được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho người dân trong việc khám, chữa bệnh.

Nhiều nơi gặp khó khăn

Trước đây, do tình trạng quá tải, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã thỏa thuận chuyển hơn 400 bệnh nhân từ nội trú sang ngoại trú để dành giường điều trị cho những bệnh nhân nặng hơn. Khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, những người bệnh này không được hưởng BHYT vì chưa có giấy chuyển tuyến, thuộc diện điều trị ngoại trú trái tuyến. Do Luật BHYT sửa đổi lần này đưa ra quy định chuyển tuyến rất khắt khe, người bệnh phải đến nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để khám, chữa bệnh, khi nào bệnh vượt quá khả năng kỹ thuật, cũng như khả năng điều trị ở đây thì mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Trong khi đó, tâm lý của người bệnh luôn muốn lên tuyến trên để điều trị. Một khi quy định chuyển tuyến quá khắt khe, người bệnh khó có giấy chuyển tuyến, muốn lên tuyến trên phải chấp nhận trái tuyến, không được hưởng chế độ BHYT (thay vì trước đây được hưởng trái tuyến 30%).

Như vậy, chỉ có điều trị nội trú trái tuyến mới được BHYT chi trả. Tuy nhiên, người bệnh muốn điều trị nội trú không phải dễ, vì nhiều bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải, chỉ những bệnh thật sự nặng, cần thiết phải theo dõi thường xuyên, bệnh viện mới cho nhập viện điều trị nội trú. Ngay khi được điều trị nội trú, nhưng với trường hợp này cũng chỉ được chi trả 40% số tiền viện phí ở tuyến Trung ương. Do đó, nếu bệnh nhân không có điều kiện thì chấp nhận điều trị ở tuyến dưới để được hưởng BHYT đúng tuyến. Điều này làm mất đi quyền lợi rất lớn của những bệnh nhân nghèo, không có điều kiện. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh Lưu Thị Thanh Huyền, Luật BHYT sửa đổi khiến thành phố mở rộng đối tượng tham gia BHYT gặp rất nhiều khó khăn, vì luật không cho phép từng cá nhân mua BHYT mà phải mua theo hộ gia đình. Do đó, nhiều cá nhân muốn mua BHYT không được mua. “Nhiều người trong gia đình đi làm ăn xa, đi du học nước ngoài không thể mua BHYT ở địa phương. Như vậy, những người thân còn lại trong gia đình sẽ không được địa phương bán BHYT. Nếu muốn mua thì những người này phải trải qua rất nhiều cơ quan chức năng để xác nhận sự việc trên mới được mua. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ người dân mua BHYT thấp”, bà Huyền cho biết như vậy.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Mới đây, tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian tới, nếu người dân không có BHYT sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ nay đến năm 2020, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ. Khi đó, đến năm 2020, giá dịch vụ y tế sẽ được cấu thành từ bảy yếu tố thay vì ba yếu tố như hiện nay. “Như vậy, bắt đầu từ nay đến thời điểm năm 2020, chi phí khám, chữa bệnh sẽ bắt đầu tăng lên. Nếu người bệnh không có BHYT, khi đi khám, chữa bệnh sẽ phải chi phí lớn hơn nhiều so với hiện nay. Vì vậy, nếu không có BHYT, người dân sẽ rất khó tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh”, Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết.

Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn cho những người chưa có BHYT, Bộ Y tế đề nghị, đối với trường hợp đã mua BHYT cá nhân ở những năm trước thì năm nay tiếp tục bán BHYT theo hình thức cá nhân, không cần quan tâm gia đình người đó đã mua BHYT hay chưa. Bên cạnh đó, các địa phương cần linh hoạt trong việc bán BHYT cho người dân. Những trường hợp thông báo có người thân trong gia đình đã mua BHYT ở nơi khác hoặc đi lao động nước ngoài, du học… thì vẫn bán cho những trường hợp còn lại, nhưng phải bổ sung chứng cứ sau đó.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, ngoài những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi… được Nhà nước cấp thẻ BHYT, thì những hộ cận nghèo cũng sẽ được địa phương và Bộ Y tế sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ mua thẻ BHYT, phấn đấu 100% số hộ cận nghèo đều có thẻ BHYT.

Riêng những người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, Chính phủ cũng đã chỉ đạo hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá BHYT, giảm mức đóng BHYT khi tham gia BHYT hộ gia đình…Ông Liên cho biết, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là thực hiện BHYT toàn dân và phấn đấu đến năm 2020 phải đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nhandan.org.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.