Tháo gỡ vướng mắc bảo hiểm y tế hộ gia đình

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã quy định, từ 1.1.2015, người dân muốn mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện phải đăng ký theo hộ gia đình. Nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia theo hộ gia đình, luật quy định cơ chế khuyến khích theo hướng giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Nhưng các ưu đãi này chưa thể khỏa lấp nhiều vướng mắc đang phát sinh trong quá trình triển khai.

Tháo gỡ vướng mắc bảo hiểm y tế hộ gia đình

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều cần lưu ý ở đây là việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình không bắt buộc với tất cả các nhân khẩu trong một hộ. Quy định này chỉ áp dụng cho những người tự nguyện muốn tham gia bảo hiểm y tế, còn không áp dụng cho những đối tượng trong hộ gia đình đã tham gia theo hình thức khác. Và để khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, Luật cũng quy định, người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Do vậy, nếu một hộ gia đình có 5 người ở khu vực đô thị loại 1, thì người đầu tiên mua với giá 621.000 đồng, người thứ hai mua với giá bằng 70% người đầu, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm trở đi là 40%. Tổng mức tiền hộ gia đình 4 người phải bỏ ra khi mua bảo hiểm y tế cả năm là hơn 1,7 triệu đồng; hộ có 5 người chi phí gần 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau 5 tháng triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã phát sinh nhiều vướng mắc do quy định pháp luật, cũng như từ cán bộ giải quyết thủ tục mua bảo hiểm y tế ở cấp cơ sở. Đối với quy định của luật, việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình dù đã giúp giảm mức đóng khá nhiều so với việc mỗi thành viên tự mua, nhưng vẫn là thách thức với những hộ thu nhập thấp. Bởi với thu nhập của một hộ thuần nông tại các tỉnh còn khó khăn, ngay cả bố trí kinh phí để mua bảo hiểm y tế cho một thành viên đã không dễ. Vì thế, khi số kinh phí tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 3 – 4 lần so với trước đây, thì họ càng có ít cơ hội hơn.

Bên cạnh đó, với quy định mới, khi đăng ký mua bảo hiểm y tế tự nguyện, cá nhân đăng ký phải khai đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ gia đình về số thẻ và loại hình tham gia (ví dụ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, hưu trí…). Yêu cầu như vậy khiến thủ tục tham gia càng trở nên rắc rối. Thực tế, trong một hộ gia đình có người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, song vì một số lý do đang phải chờ để tiếp tục được gia hạn, thì thẻ bảo hiểm của những đối tượng này sẽ không được chấp nhận để loại ra khỏi danh sách những người phải mua theo hộ gia đình. Những đối tượng này chắc chắn sẽ không muốn tham gia theo hình thức mới, vì thủ tục để chuyển đổi không đơn giản. Ngay cả khi cán bộ lưu động đồng ý chỉ cần xác nhận của nơi làm, nhưng nếu doanh nghiệp không đồng ý xác nhận, thì thành viên gia đình cũng không thể tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, người dân cũng gặp khó khăn trong việc việc xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống…

Nắm bắt kịp thời những vướng mắc này, Bộ Y tế đã ban hành nhanh một số văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ gia hạn thẻ, hướng dẫn thủ tục mua bảo hiểm y tế gia đình, kéo dài thời gian áp dụng bắt buộc… Song khó khăn với người tham gia bảo hiểm y tế vẫn chưa giảm, vì những văn bản hướng dẫn chưa bao phủ hết các vướng mắc phát sinh, trong khi, cán bộ thực hiện lại hiểu sai quy định, nên áp dụng không đúng tinh thần của luật. Ví dụ như, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) quy định, người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện trước thời điểm 1.1.2015 có thể lựa chọn gia hạn thẻ hoặc mua cùng gia đình, chỉ người mới tham gia mới bắt buộc theo hộ gia đình. Nhưng các cán bộ thực hiện lại bắt buộc cá nhân đã tham gia muốn tiếp tục phải theo hộ gia đình. Điều này khiến nếu chỉ vì một cá nhân trong gia đình không muốn tham gia, thì người đã mua từ trước sẽ không được tiếp tục gia hạn thẻ. Cá biệt, ngay cả khi họ được giải quyết được phép tiếp tục gia hạn thẻ, thì dù vẫn chưa hết thời hạn xem xét (trong 3 tháng kể tính từ lúc thẻ hết hạn), nhưng cán bộ không rõ vì lý do nào vẫn yêu cầu mua thẻ mới. Vì thế, người tham gia đã mất hết khoảng thời gian được tích lũy trước đó, cũng như các ưu đãi liên quan như: tiếp cận y tế công nghệ cao, tăng mức giảm trừ chi phí khám chữa bệnh… 

Những vướng mắc này cũng không phải chưa được tiên lượng, mà nhiều ĐBQH đã đề cập trong quá trình xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này (Bộ Y tế) đã nêu rõ, bản chất của bảo hiểm y tế không phải quỹ tương trợ, mà là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Vì thế, ngay bản thân trong một hộ, các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng mới có trách nhiệm với cá nhân. Việc luật hóa hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng là để khắc phục tình trạng chỉ chọn mua cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế.  

Bản chất của bảo hiểm y tế là số đông bù cho số ít, nên mỗi cá nhân cần biết chia sẻ rủi ro với người khác, nhưng điều này không thể là lý do để biện minh cho những hạn chế nêu trên. Mặt khác, bảo hiểm y tế cũng là hỗ trợ cuối cùng cho những người không có khả năng chi trả cho việc khám chữa bệnh. Với những đối tượng này, nếu chậm giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), thì họ cũng không có lựa chọn khác để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc của bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, tạo điều kiện cho mọi người dân đều được tham gia.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tapchitaichinh.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.