Thận trọng khi sửa Điều 60 Luật BHXH

(HQ Online)- Sáng 27-5 thảo luận tại hội trường về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, đã nhiều ý kiến, đề xuất của ĐB Quốc hội về vấn đề này. Để có kết luận cuối cùng, Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐB rồi xem xét, quyết định.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Nếu phải sửa Điều 60 thì phải làm theo quy trình. Ảnh: Anh Tuấn

Ý kiến các ĐB đều tán thành với nội dung Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 là phù hợp với xu hướng phát triển chung, đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động (NLĐ), góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên vấn đề phát sinh sau khi Luật được ban hành là do hoàn cảnh kinh tế và nhu cầu của NLĐ cũng như lỗi còn do công tác tuyên truyền đến người dân chưa đến nơi đến chốn khiến cho NLĐ hiểu chưa đúng về một chủ trương có lợi về lâu dài.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), khi đặt ra vấn đề sửa điều này đòi hỏi phải có sự phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện. “Một điều được coi là nhân văn như điều 60 mà lại đề nghị sửa nhanh chóng như vậy là không được bởi cho đến trước 1-1-2016 NLĐ muốn được ưởng bảo hiểm một lần thì vẫn được hưởng đầy đủ.

Chỉ với lý do mà Chính phủ đưa ra là do “một bộ phận NLĐ” là chưa thuyết phục, do đó Quốc hội cần lắng nghe ý kiến của tập thể công nhân, NLĐ trên cả nước, đảm bảo cho sự phát triển hài hòa chứ không phải từ ý kiến của một bộ phận NLĐ”- ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị.

Theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), về quy trình đề nghị sửa Điều 60 tại kỳ họp này cũng chưa đúng. Theo phân tích của ĐB, văn bản của Chính phủ gửi Quốc hội là báo cáo về quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về BHXH một lần, còn văn bản của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại là ý kiến của Ủy ban về vấn đề này.

ĐB đề nghị, nếu sửa Điều 60 thì phải có đầy đủ các văn bản như tờ trình của Chính phủ, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tiếp thu giải trình, báo cáo trách nhiệm của cơ quan trình…

Đồng tình với ý kiến của ĐB Ngô Văn Minh, theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nếu phải sửa Điều 60 thì phải làm theo quy trình. “Quốc hội phải cho đánh giá lại tình hình bao nhiêu phần trăm  NLĐ đồng tình hay không đồng tình với Điều 60, nếu có phần đông ý kiến không tán thành rồi mới đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội”- ĐB đề nghị.

Bàn về giải pháp điều chỉnh, sửa đổi như thế nào đối với một điều luật được coi là nhân văn đã được Quốc hội nhấn nút thông qua, nhiều ý kiến ĐB (ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)… đề nghị Quốc hội thông qua một Nghị quyết tại kỳ họp này bảo lưu điểm c, khoản 1 Điều 55 của Luật BHXH năm 2006, theo đó người lao động sau một năm nghỉ việc được hưởng BHXH một lần.

Qua tổng hợp tại buổi thảo luận tổ ngày 22-5 vừa qua về Điều 60 cũng cho thấy, 26/153 ý kiến, chiếm tỷ lệ 17% ý kiến ĐB thảo luận về vấn đề này cũng đề nghị quy định trong Nghị quyết của Quốc hội cho phép bảo lưu chính sách người lao động sau một năm nghỉ việc hưởng BHXH một lần.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận ý kiến của phần đông ĐB Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết tại kỳ họp này bảo lưu điểm c, khoản 1 Điều 55 của Luật BHXH năm 2006 đến một thời gian nhất định.

Sau đó sẽ xem xét thăm dò ý kiến của đối tượng NLĐ rồi mới tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60. “Nội dung này Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến tới các ĐB rồi xem xét, quyết định”- Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận kết thúc phiên thảo luận.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.