Tham vấn về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Sáng ngày 18/7, tại TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị tham vấn về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Tham dự hội nghị có ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Lê Thị Nguyệt, Ủy viên thường trực Ủy ban Về Các vấn đề xã hội, bà Hồ Thị Thủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đỗ Văn Sinh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH)… và nhiều đại diện DN, NLĐ, người dân.

Tham van 210714 02.JPG
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Vừa qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đã có 176 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo thảo luận ở tổ và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường, ngoài ra còn 22 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Quốc hội đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi). Vì vậy, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH lần này nhằm đẩy mạnh mở rộng, tăng đối tượng tham gia BHXH, thiết kế lại mức đóng- hưởng BHXH để lương hưu có thể bảo đảm đủ sống, tăng thêm thẩm quyền thanh tra cho cơ quan BHXH để xử lý vi phạm…

Bà Trần Thị Thúy Nga- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã quy định tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ làm việc theo hợp đồng dưới 3 tháng, điều này sẽ tạo điều kiện cho NLĐ làm công việc mùa vụ có cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, khắc phục tình trạng các DN giao kết hợp đồng lao động chuỗi dưới 3 tháng nhằm trốn đóng BHXH. Theo bà Nga, việc tăng tuổi nghỉ hưu không thực hiện đồng loạt đối với mọi đối tượng mà thực hiện trước đối với CBCCVC từ năm 2016, đến năm 2020 trở đi thực hiện đối với NLĐ trong các DN, không thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tăng tuổi lao động để hưởng lương hưu chỉ là một trong những giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cân đối Quỹ BHXH bên cạnh các giải pháp khác như: Thay đổi công thức tính lương hưu; điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH; tăng cường hiệu quả công tác quản lý về BHXH…

Tham van 210714 01.JPG

Tại hội nghị có 16 ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nội dung chính: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng tuổi nghỉ hưu; tăng tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi; thay đổi cách tính tỉ lệ lương hưu hàng tháng; sửa đổi chính sách hưu trí, tử tuất; sửa đổi các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực BHXH,…

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đã tham dự hội nghị tham vấn tại phường Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên) để lắng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu là NLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động tự do, cán bộ bán chuyên trách, người đang hưởng lương hưu, giáo viên trên địa bàn phưởng về một số nội dung như: chế độ hưu trí, tử tuất trong BHXH tự nguyện, mức đóng BHXH tự nguyện, chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện…

PV

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.