Tăng giám sát việc giảm thủ tục

KTĐT – 4.169 thủ tục được cắt giảm (đạt 88%) thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể, phá sản DN, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng… vừa công bố cho thấy, đây là kết quả khá ấn tượng trong việc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm đến nay.
Chưa đong đếm được chính xác số thời gian, số tiền tiết kiệm được khi thực hiện những quy định cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng với nhiều DN, mỗi TTHC được cắt giảm đồng nghĩa với việc bớt đi một phần gánh nặng, tăng thêm những cơ hội trên thương trường.
Theo tính toán sơ bộ, những chi phí mà xã hội phải chịu do kéo dài thời gian thực hiện các TTHC, hay nói đúng hơn là các DN phải chịu nhưng không phải do lỗi của mình ước trung bình vào khoảng 0,8 – 0,9% GDP. Như vậy, nếu GDP của cả nước năm 2014 này đạt khoảng 164 tỷ USD thì những chi phí mà DN phải chịu là gần 1,5 tỷ USD. Đây là một con số không hề nhỏ với một cộng đồng DN có tới 2/3 là quy mô nhỏ và vừa. Còn trong lĩnh vực thuế, nếu số tiền mà một DN phải bỏ ra để làm thủ tục nộp thuế là 24,8 triệu đồng/năm, cả nước có khoảng 400.000 DN nộp thuế thì tổng số tiền phải bỏ ra là 9.800 tỷ đồng…
Từ những phân tích trên cho thấy, việc cắt giảm TTHC, số thời gian thực hiện mang lại lợi ích rất thiết thực cho các DN cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý và các ngành bên cạnh quyết tâm cắt giảm TTHC cũng cần giám sát thực hiện công tác này một cách chặt chẽ. Thực tế, việc cả “rừng” văn bản, quy định làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh thời gian qua hầu hết là do một số cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình xây dựng các quy định đã “đẻ” ra không ít thủ tục nhằm duy trì quyền lực hoặc thông qua đó để duy trì lợi ích nào đó. Do đó, về hình thức văn bản là phù hợp, nhưng bản chất lại không hợp lý, không thúc đẩy được sự phát triển. 
Tuy nhiên, về phía mình, cộng đồng DN phải chú trọng nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, bởi sản xuất, kinh doanh là việc của DN, không ai có thể làm thay, và chính DN cũng phải tự cải tổ chứ không thể cứ “tay không bắt giặc”, hễ gặp khó lại kêu hỗ trợ.
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.