Tăng bao phủ bảo hiểm y tế

Chi phí y tế gia tăng đang tác động không nhỏ tới đời sống người dân. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế chia sẻ về các giải pháp tác động nhằm giảm gánh nặng này.

– Thưa ông, vì sao chi phí y tế ở nước ta tăng rất nhanh trong những năm gần đây?

Chi phí y tế ở Việt Nam nói riêng và các nước nói chung ngày càng cao vì dịch vụ y tế đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Tổ chức Y tế thế giới đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, khi các quốc gia giàu có hơn thì chi y tế chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong thu nhập quốc dân. Thu nhập tăng làm nhu cầu được chăm sóc của người dân tăng, vì vậy chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe dần dần thay thế chi tiêu về thực phẩm và trở thành hạng mục chi tiêu lớn nhất của người dân.

Mô hình bệnh tật ở nước ta đang chuyển dịch mạnh từ các bệnh lây nhiễm, chiếm gần 60% tổng số mắc vào những năm 1980-1990 xuống còn 17% vào năm 2012, sang các bệnh không lây nhiễm, năm 2012 đã lên tới 62%. Chi phí điều trị bệnh không lây cao hơn nhiều lần so với bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra còn các yếu tố khác làm gia tăng chi phí y tế như tuổi thọ trung bình tăng, kỹ thuật y tế ngày càng phát triển, nhiều trang thiết bị mới, thuốc mới đưa vào sử dụng, hiệu quả và chất lượng cao hơn song cũng đòi hỏi chi phí vận hành lớn, phòng chống dịch, đặc biệt dịch lạ, nguy hiểm, dịch mới nổi như E-bô-la, cúm A H1N1, cúm A H5N1, SARS…

– Theo ông, đâu là “mấu chốt” để giảm chi phí y tế?

Để giảm chi cho y tế, việc cần thiết là nâng cao hiệu quả phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, làm tốt công tác tiêm chủng; tăng cường y tế cơ sở, khám chữa bệnh, chăm sóc các bệnh mạn tính tại y tế xã, bệnh viện huyện; chống lạm dụng thuốc, trang thiết bị, vật tư, kỹ thuật; thông qua việc đấu thầu, đàm phán giảm giá thuốc, thực hiện cơ chế chi trả, thanh toán BHYT hợp lý, từng bước thực hiện đánh giá công nghệ y tế và hiệu quả chi phí trong việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thuốc mới.

– Cụ thể, ngành y tế đã có những giải pháp nào để giảm tác động của chi phí y tế cao tới người dân?

Nhằm giảm tác động của việc gia tăng chi phí y tế tới người dân, ngành Y tế đang thực hiện một loạt giải pháp hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, trong đó có các yếu tố như nâng tỷ lệ chi phí y tế được BHYT chi trả, giảm rủi ro về tài chính như tăng chi ngân sách nhà nước, thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng mạng lưới y tế, mở rộng gói dịch vụ, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, quy hoạch các đơn vị y tế theo hướng tinh giản đầu mối, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí dịch vụ cung cấp.

Về chuyên môn, công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh với các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của các yếu tố nguy cơ đến sức khỏe như: môi trường sống, phong tục tập quán, cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia… Ngoài ra cơ quan y tế cũng xây dựng các chính sách bảo vệ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, những người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp… thông qua việc cấp hoặc hỗ trợ mệnh giá BHYT, thành lập quỹ khám chữa bệnh ở các tỉnh để hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho bệnh nhân nghèo điều trị tại cơ sở y tế và hỗ trợ một phần chi phí đồng chi trả, không thuộc phạm vi BHYT thanh toán.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nhandan.org.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.