Sóc Trăng: Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp cao gần gấp 3 lần doanh thu

(TBTCO) – Sau 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Sóc Trăng đã thu hút được 3.389 hộ tham gia, với doanh thu phí bảo hiểm là hơn 85 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ bồi thường lên đến 293% (hơn 252 tỷ đồng), theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng vừa công bố.

Bồi thường hơn 252 tỷ đồng

Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng tại Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm BHNN theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nuôi tôm sú và nuôi tôm thẻ chân trắng, tổng diện tích tham gia bảo hiểm trên địa bàn thí điểm là 3203,85ha/3.389 hộ, số hộ tham gia bảo hiểm chiếm 26,8% so với tổng số hộ trên địa bàn thí điếm (hộ nghèo tham gia bảo hiểm chiếm 66,12%; hộ cận nghèo chiếm 9,6%; hộ bình thường chiếm 18,16%).

Tổng giá trị bảo hiểm 1.028,7 tỷ đồng, phí bảo hiểm 85,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 55,2 tỷ đồng, các hộ tham gia bảo hiểm đóng góp 30 tỷ đồng.

tôm 
Dịch bệnh xảy ra thường xuyên khiến việc nuôi thủy sản của các hộ dân gặp khó khănẢnh: T.L

Sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN, tổng diện tích bị thiệt hại lên đến 2.686,91 ha, chiếm 83,8% số diện tích tham gia bảo hiểm, tổng số tiền phải bồi thường lên đến 252,2 tỷ đồng. Hiện DN bảo hiểm đã bồi thường 250 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục xét bồi thường.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ bồi thường cao được lý giải là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết môi trường diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra thường xuyên… khiến việc nuôi thủy sản của các hộ dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất trên địa bàn tỉnh còn mang tính nhỏ, lẻ, địa bàn bảo hiểm rộng khó quản lý nên các dấu hiệu trục lợi bảo hiểm rất khó giám sát. Trong quá trình triển khai thí điểm, nhiều hộ dân chưa đảm bảo quy trình, kỹ thuật nuôi nên khi dịch bệnh xẩy ra đã gây thiệt hại lớn.

Cần điều chỉnh lại quy tắc, điều khoản bảo hiểm

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng cho biết, sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN, chính sách bảo hiểm đã giúp nông dân giảm bớt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra; tạo công cụ cho người nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp thiệt hại, sớm ổn định sản xuất. Qua đó, tạo cơ hội cho nông dân áp dụng quy trình, kỹ thuật trong sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.

Thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần ổn định và từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai BHNN với quy mô rộng hơn và có sự hỗ trợ về phí bảo hiểm cho các đối tượng tham gia bảo hiểm.

Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh tỷ lệ phí bảo hiểm tôm là 9,72% (theo Quyết định số 1042/QĐ- BTC ngày 8/5/2013 của Bộ Tài chính) do tỷ lệ 13,73% (theo Quyết định số 1725/QĐ-BTC ngày 23/7/2013 của Bộ Tài chính) là khá cao.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cũng đề nghị tiếp tục triển khai thí điểm bảo hiểm tôm nuôi nhằm hỗ trợ người dân ổn định sản xuất khi xẩy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh lại quy tắc, thu hẹp điều kiện, điều khoản bảo hiểm để tránh tình trạng tỷ lệ tổn thất cao như hiện nay; Tăng cường công tác đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm và kiểm soát rủi ro trong thời hạn bảo hiểm. Tăng cường hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện… nhằm quản lý rủi ro hiệu quả./.

Đối tượng triển khai bảo hiểm tại tỉnh Sóc Trăng là nuôi tôm sú và nuôi tôm thẻ chân trắng. Địa bàn thí điểm tỉnh chọn là 9 xã, phường thuộc 3 huyện, thị (xã Lịch Hội Thượng, Trung Bình và xã Liêu Tú của huyện Trần Đề; phường Khánh Hòa, xã Hòa Đông và xã Vĩnh Hiệp của Thị xã Vĩnh Châu; xã Hòa Tú 2, xã Ngọc Tổ và xã Gia Hòa 2 của huyện Mỹ Xuyên).
Hồng Chi
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.