Quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT

QĐND Online – Sáng 19-12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật với sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành phố và lãnh đạo một số bệnh viện trong cả nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo… Ngoài ra, Luật mới cũng tạo điều kiện thông thoáng hơn để người tham gia BHYT được tiếp cận, hưởng quyền lợi đầy đủ trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong phạm vi tuyến huyện mà không bị coi là trái tuyến, vượt tuyến; đồng thời cũng bổ sung và qui định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên liên quan.

Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT qui định 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do ngân sách nhà nước đóng, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, BHYT có thể đóng hằng tháng, hằng quí hoặc định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả các chi phí sau: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật. Các trường hợp không được hưởng BHYT là: Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng, khám sức khỏe; xét nghiệm chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị; sử dụng dịch vụ thẩm mỹ…

Vụ trưởng Tống Thị Song Hương nêu rõ, người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo qui định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh  phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo qui định. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu vào mỗi đầu qúy…

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.