Quá tải ở bệnh viện tác động lớn đến bảo hiểm y tế toàn dân

VOV.VN-Nếu ngày càng có nhiều cơ sở y tế đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thì người dân sẽ cân nhắc khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm.

Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã chính thức khởi công cơ sở 2 của bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Việc khởi công 2 trung tâm y khoa đầu ngành của cả nước tại một địa điểm cách Thủ đô Hà Nội 60km là một sự kiện vô cùng ý nghĩa. Nó càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngành Y đang chịu nhiều áp lực từ tình trạng quá tải và mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020 đang đến gần.

Lâu nay, tình trạng quá tải bệnh viện đã được nhắc đến quá nhiều mà dường như ngành Y vẫn khó có câu trả lời dứt điểm, khi nào thì giải quyết xong tình trạng nằm ghép, khi nào thì một bác sĩ không phải khám cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Sự quá tải đó còn áp lực hơn tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khởi công Cơ sở 2 – BV Bạch Mai (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

 

Nơi nào nhếch nhác nhất, nơi nào nhiều tiếng thở dài nhất… đó chính là bệnh viện. Hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe máy la liệt trên vỉa hè, quán ăn bình dân, nhà trọ bình dân và hàng chục phòng khám tư nhân lớn, nhỏ bủa vây bệnh viện. Tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có khoảng 10.000 người đến khám và chữa bệnh.

Quá tải bệnh viện cũng tác động đến chất lượng khám chữa bệnh, tác động đến y đức của bác sĩ, tác động lên nỗi bức xúc của người dân và cuối cùng là tác động lên lá phiếu tín nhiệm của cử tri và đại biểu Quốc hội giành cho người đứng đầu ngành Y. Không khó để nhận ra rằng, quá tải bệnh viện cùng với bảo hiểm y tế có phần cứng nhắc đã đẩy một bộ phận người dân buộc phải tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện đa khoa tư nhân, bệnh viện quốc tế và thậm chí sẵn sàng chi tiền ra nước ngoài để chữa bệnh. Năm 2010, kỷ nhiệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, rất nhiều công trình mới được gắn biển nhưng không có công trình nào mang tên “y tế”. Trong khi đó, những bệnh viện ngoài công lập vẫn âm thầm mọc lên. Và không phải không có lý khi tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đã quyết định chọn Giáo dục và Y tế làm kênh đầu tư để sinh lời.

Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân là rất lớn, mỗi năm dân số cả nước tăng khoảng 900.000 người, tương đương với dân số một tỉnh. Các cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương đa phần xây dựng trước giải phóng, dù có tu sửa nhiều lần, dù có mở rộng diện tích nhưng cũng không thể giải quyết được tình trạng một giường có nhiều bệnh nhân. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh dù có được đầu tư khang trang cỡ nào thì những ca bệnh khó vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Thực tế, việc di chuyển các cơ sở y tế công lập ra vùng ngoại vi đã được thực hiện trong những năm gần đây nhưng số lượng chưa nhiều. Gần 40 năm sau chiến tranh, lần đầu tiên chúng ta có một bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai thứ hai.

Ngành Y tế đặt ra rất nhiều mục tiêu để thực hiện trong những năm sắp tới, trong đó có mục tiêu 100% dân số mua bảo hiểm y tế vào năm 2020. Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt, hướng tới mục tiêu công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế cũng dựa phần lớn vào tinh thần tự nguyện hơn là bắt buộc. Nếu ngày càng có nhiều cơ sở y tế công lập chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của đại đa số nhân dân thì khi đó, niềm tin của người dân sẽ tăng lên và họ sẽ không phải tính toán, cân nhắc khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm để phòng và chữa bệnh./.

Bảo Hiểm Bảo Việt (The vov)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.