Phát triển Bảo hiểm xã hội: Thiếu bền vững

Đánh giá về hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương cho rằng: Trong nhiều năm qua, công tác BHXH đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực BHXH vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, đó là diện bao phủ BHXH còn thấp; quản lý nhà nước về BHXH chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH còn thiếu sót; tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH còn nhiều; nhất là quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần…
 
 
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong ngành BHXH
 
Còn nhiều vi phạm
 
Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ và của BHXH Việt Nam từ 2009 đến nay đã phát hiện nhiều vi phạm. Tình trạng nợ đọng BHXH – BHYT có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến Quý II/2014, tổng nợ BHXH, BHYT lên đến 11.190 tỷ đồng, chiếm 6,28% kế hoạch BHXH – BHYT, trong đó, nợ của các đơn vị đang hoạt động trên 8.000 tỷ đồng, nợ của các đơn vị đã ngưng hoạt động là 613 tỷ đồng. 
 
Qua xác minh các đơn vị đang tham gia BHXH – BHYT tại 46 tỉnh, thành thuộc trung ương đã phát hiện các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng BHXH – BHYT cho 68.055 lao động, tương đương số tiền BHXH – BHYT là 164 tỷ đồng; Trong đó, số lao động hiện đang làm việc là 55.504 người với số tiền xấp xỉ 137 tỷ đồng và số lao động đã nghỉ việc là 13.290 người với số tiền 29 tỷ đồng. Trong khi đó, giám định, kiểm tra, thẩm định y tế của ngành BHXH tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số 144.973.814 hồ sơ khám, chữa bệnh đã phát hiện số tiền bệnh viện thống kê chi phí khám chữa bệnh không đúng với số tiền phải xử lý là 571 tỷ đồng. Số hồ sơ không có điều kiện giám định là 138 hồ sơ, chiếm 48,8%.
 
Đặc biệt, kiểm tra đấu thầu thuốc cho các cơ sở y tế công lập tại một số địa phương, phát hiện các dạng vi phạm với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng. Cụ thể công tác lập dự toán, xây dựng đơn giá phục vụ cho việc lập kế hoạch đấu thầu chưa sát với thực tế, dẫn đến đơn giá phục vụ đấu thầu cao hơn nhiều so với giá dự thầu của các nhà thầu. Kết quả đấu thầu tại một số địa phương xây dựng giá mới thầu cao hơn giá trúng thầu từ 47% đến 357%, giá nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu cao hơn giá dự thầu của các nhà thầu, gây thiệt hại quỹ BHYT. 
 
Theo ông Trần Đức Lượng – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trên là do Luật BHXH và BHYT tế thời gian qua bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Trong khi đó, ý thức chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, chế tài xử phạt chưa nghiêm, mức phạt các vi phạm chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp tuân thủ. Đơn vị BHXH không quản lý hết được các đối tượng phải đóng BHXH- BHYT, thiếu cơ chế phối hợp giữa BHXH với các cơ quan có liên quan như lao động, thương binh, xã hội, kế hoạch đầu tư, thuế. 
 
Cũng đề cập đến những hạn chế của ngành BHXH Việt Nam, TS. Đỗ Văn Sinh –  Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn thấp hơn so với số thực tế phải tham gia, tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH còn phổ biến ở tất cả các địa phương; vẫn còn có biểu hiện gây khó khăn trong việc đăng ký tham gia BHXH. Nguyên nhân theo ông Sinh, do ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế; chưa xác định và quản lý được số lượng đơn vị, doanh nghiệp và số lao động phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định. Công tác phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra giữa BHXH các cấp với các ban, ngành ở địa phương chưa hiệu quả; trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm pháp luật BHXH chưa đủ mạnh nên không đảm bảo tính răn đe. Một số bộ phận người lao động vì nhu cầu mưu sinh trước mắt nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi tham gia BHXH chính đáng của mình.
 
Cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật 
 
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân – nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện nhằm mở rộng hơn nữa phạm vi bao phủ của chính sách, tiến tới mọi người lao động đều được tham gia và thụ hưởng BHXH; đa dạng hóa các loại hình BHXH; bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia và đảm bảo quỹ BHXH an toàn, phát triển, có khả năng cân đối trong dài hạn. Trong khi đó, ông Trần Đình Liệu – Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam cũng đề nghị, cần sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể những điều để đảm bảo quyền lợi của người lao động; quy định rút giấy phép kinh doanh khi vi phạm về BHXH, BHYT. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT của người sử dụng lao động, đơn vị quản lý người tham gia BH nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia BH.
 
Tại Hội thảo khoa học “Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển” vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, hầu hết các đại biểu tham gia đều thống nhất, để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, cần kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến quản lý thu BHXH và thực hiện các chế độ BHXH thông qua các hoạt động thanh tra liên ngành và hoạt động kiểm tra của Ban Kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.