Nợ xấu tăng dần đều
Sau khi giảm mạnh cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu lại tăng đều từ đầu năm đến nay. Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vào khoảng 4,84% tổng dư nợ, so với 3,6% hồi đầu năm.
Xu hướng tăng này cũng thể hiện rõ trong báo cáo kinh doanh của các ngân hàng quý 2. Tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đã vượt mức giới hạn 3%, trong đó tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn tăng đáng kể. Cụ thể như nợ xấu của Vietcombank tăng từ 2,7% lên 3,08%, Vietinbank tăng từ 1% lên 2,53%, MB tăng từ 2,4 lên 3,1%, Techcombank tăng từ 3,65% lên 4,12%, Eximbank tăng từ 1,9% lên 2,98%, Oceanbank tăng từ 3,99% lên 5,03%…
Tuy nhiên, với cách tính đưa các khoản vay cần chú ý và các tài sản yếu kém khác xếp vào loại nợ xấu, hãng đánh giá tín dụng Moody’s cho rằng tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể lên đến 15%. Trong khi đó, việc phân loại nợ xấu theo các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đã bị trì hoãn đến đầu năm 2015, do những lo ngại nợ xấu có thể tăng mạnh nếu sớm áp dụng các tiêu chuẩn này.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng: “Số liệu không đầy đủ chính là một vấn đề lớn. Nếu không có số liệu thực sự về cơ cấu và tỷ lệ nợ xấu, chúng ta không thể hiểu tường tận vấn đề”.
Tờ The Diplomat mới đây nhận định, Việt Nam có thể khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm nay nếu nợ xấu tiếp tục kìm hãm nền kinh tế. “Nợ xấu ở Việt Nam không đủ lớn để gây khủng hoảng kinh tế, nhưng nó kìm hãm nền kinh tế, khiến kinh tế không thể phục hồi nhanh”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh chia sẻ trên tờ The Diplomat.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực tìm cách giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng còn cần có những thay đổi mạnh hơn về cơ cấu để đảm bảo sức khoẻ cho nền kinh tế trong dài hạn.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, thiếu các thị trường tài chính phái sinh, nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu nhờ tín dụng và khu vực nhà nước, đó là những nguyên nhân đẩy nợ xấu tăng nhanh. Các DNNN sử dụng một lượng vốn trong hệ thống ngân hàng và cũng có tỷ lệ nợ xấu rất cao. Vì vậy, giải quyết nợ xấu phải đi đôi với cải cách DNNN.
Chưa sẵn sàng xử lý triệt để
Một giải pháp được kỳ vọng nhiều giải quyết nợ xấu là Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Sau một năm hoạt động, VAMC đã mua được hơn 52.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC vẫn chưa có cách xử lý nợ xấu. Dù có kế hoạch bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chi tiết vẫn chưa rõ.
VAMC cho biết đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu. Tuy nhiên, việc bán nợ không dễ khi các vấn đề về cơ chế mua bán nợ, quyền sở hữu còn chưa rõ ràng.
Theo Andy Ho, CEO của VinaCapital, các nhà đầu tư nước ngoài thường chào mua nợ theo giá thị trường, chỉ vào khoảng 20 – 30% giá trị sổ sách. “VAMC chỉ có thể giải quyết hiệu quả nợ xấu nếu sẵn sàng bán nợ và chấp nhận mức giá tốt nhất có thể trên thị trường”, chuyên gia Andy Ho nhận định.
Theo số liệu từ VAMC, công ty này mới bán được 996 tỷ đồng nợ trong tổng số nợ đã mua, tuy nhiên mức giá bán nợ không được công bố.
Trong khi việc sửa các quy định đang được cân nhắc, vẫn còn sự lưỡng lự. “Thời điểm này, ai cũng sợ phải nhận trách nhiệm nếu để phát sinh thua lỗ, vì vậy không ai dám ra quyết định bán bất cứ khoản nợ nào với mức giá thấp. Chính phủ đang xem xét sửa đổi những quy định hiện tại nhằm đẩy nhanh việc bán nợ xấu”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết tại cuộc hội thảo mới đây ở miền Trung.
Sự lưỡng lự không chỉ vì thua lỗ, mà có thể còn lý do nữa. Theo một chuyên gia, mặc dù chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng có khả năng nhất để mua nợ xấu hiện nay, nhưng nếu bán cho họ, nhiều hoạt động kinh tế có thể chịu sự kiểm soát của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của đất nước.
Tuy vậy, nếu không xử lý nhanh nợ xấu thì hậu quả kinh tế cũng không hề nhỏ. Tất nhiên, khó có giải pháp nào không có mặt trái, và quan trọng là chọn giải pháp ít tác động xấu hơn thay vì chờ đợi thời gian sẽ chữa lành “khối u” này của nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, nợ xấu là bài học đắt giá nhưng quan trọng và đây là cơ hội để có những cải cách đột phá với hệ thống ngân hàng nói riêng và cơ chế quản lý kinh tế nói chung./.