Nợ đọng Bảo hiểm xã hội: 50 năm nữa chưa chắc đã hết

 
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2016,  song những điểm mới cũng như những quy định mới của Luật được rất nhiều người quan tâm như: nông dân tham gia BHXH sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, việc đóng BHXH sẽ tính theo yếu tố thu nhập…Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo ĐĐK đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH).
 
PV: Thưa bà, một trong những điểm đáng chú ý của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) là Nhà nước hỗ trợ một phần cho nông dân khi tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng vẫn có không ít ý kiến cho rằng vẫn rất khó để thu hút nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Bà nghĩ sao về ý kiến này? 
 
Bà TRẦN THỊ THÚY NGA, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội: Đó là một thực tế. Hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc lẫn tự nguyện hiện chỉ mới chiếm 20% lực lượng lao động hiện tại. Từ trước tới nay, chúng ta chưa có giải pháp đột phá. Luật BHXH sửa đổi lần này đã có nhiều chính sách ưu đãi hơn. Cụ thể hạ mức trần đóng xuống chỉ còn chuẩn nghèo theo khu vực nông thôn. Tôi nghĩ, với giải pháp này chắc chắn sẽ có  nhiều người có cơ hội tham gia. Bên cạnh đó Luật BHXH sửa đổi không khống chế độ tuổi. Tuổi cao vẫn có thể tham gia, người lao động có thể đóng 1 lần cho 3 năm hoặc 5 năm, bao giờ đủ 20 năm thì thôi, tùy vào điều kiện kinh tế của từng người. Cùng với những giải pháp nới lỏng về chính sách thì sẽ   dùng “bàn tay” của ngân sách nhà nước. Theo đó ngân sách nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện. Chúng tôi sẽ cùng Bộ Tài chính tính toán cụ thể dự thảo khả năng ngân sách của Nhà nước và của từng thời kỳ cho người tham gia. Tôi tin chắc rằng với những giải pháp đó, về lâu dài sẽ thu hút được nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện.
 
Thưa bà theo quy định của Điều 90 trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, tiền lương sẽ gồm 3 bộ phận cấu thành là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Vậy tại sao vẫn chưa tính đóng BHXH cho người lao động theo quy định này?
 
– Theo quy định trên thì từ ngày 1-5-2013, việc đóng BHXH phải thực hiện theo nguyên tắc đó, nhưng nếu áp dụng trong giai đoạn hiện nay sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Bởi nếu phải đóng cho toàn bộ thu nhập thực tế của người lao động thì sẽ là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp lúc này. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp khó khăn thì người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng vì việc làm bị cắt giảm. Do đó, để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động, việc triển khai Luật BHXH sẽ đi theo lộ trình: Từ nay tới năm 2016 sẽ tính như quy định hiện hành. Từ năm 2016 đến hết năm 2017, việc tính BHXH sẽ căn cứ theo tiền lương và phụ cấp. Từ năm 2018, khi tiền lương được tính đúng, tính đủ thì việc tính BHXH sẽ hoàn toàn tuân theo quy định điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012.     
 
Nông dân cũng cần có bảo hiểm xã hội
 
Trốn và nợ đọng BHXH đang là vấn đề bức xúc. Vậy tới đây khi Luật BHXH được triển khai, liệu có giải quyết triệt để thực trạng này không, thưa bà?      
 
– Có thể nói Luật BHXH được thông qua đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, cùng với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia thì Luật BHXH sửa đổi mới cũng có rất nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước tình trạng trốn đóng nợ BHXH ngày càng bùng nổ hiện nay. Cụ thể, nếu trước đây, người lao động tù mù không biết mình đóng BHXH tới năm nào vì người sử dụng lao động giữ sổ. Thì nay, tại Luật BHXH sửa đổi, quy định người lao động có quyền quản lý sổ BHXH của chính mình. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được cơ quan BHXH, người sử dụng lao động định kỳ cung cấp thông tin đóng BHXH (6 tháng một lần đối với chủ sử dụng lao động còn 1 năm một lần đối với cơ quan BHXH). Đối với trường hợp chậm đóng, thì việc phạt chậm đóng sẽ tăng gấp đôi lãi suất đầu tư của quỹ BHXH. Hiện tại lãi suất đầu tư của quỹ là 10%. Với mức phạt này, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng chấp nhận phạt để được nợ như hiện nay.
 
Bên cạnh đó để  hạn chế DN nợ và trốn đóng BHXH, công tác thanh tra cũng được kiện toàn bằng cách, bổ sung thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính BHXH; bổ sung cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, bổ sung quyền các tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Bổ sung thêm quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH. 
 
Mặc dù vậy, vẫn rất khó có thể chắc chắn sẽ giải quyết triệt để thực trạng đọng nợ BHXH. 50 năm nữa chưa chắc đã hết được tình trạng trốn, nợ đọng BHXH. Bởi nợ đọng tiền BHXH không chỉ do doanh nghiệp khó khăn về kinh tế  mà còn do ý thức hành xử của các doanh nghiệp. Trên thế giới ở nhiều nước tiên tiến áp dụng nhiều mức phạt khá nặng, song vẫn rất khó để hạn chế triệt để thực trạng nợ đọng tiền BHXH.  
 
Trân trọng cảm ơn bà!

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo daidoanket.vn)

 

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.