Những mảnh đời nơi bệnh viện

Những bệnh nhân nghèo, nhất là người bị bệnh nan y vừa phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, vừa phải khổ sở với những khoản viện phí, là hình ảnh đáng thương có thể gặp họ ở bất cứ bệnh viện nào. Không ít số phận đã bị thay đổi, tác động khi mắc trọng bệnh, với những khoản phí vượt quá khả năng chi trả.

 

Một ngày nằm viện bằng cả tháng làm ăn

Chiều muộn ngày 14-11, trước khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), ở cái nơi không ai mong muốn đến này lại rất đông người. Dãy ghế phía trước người thì trải tạm tấm chăn nằm nghỉ, tay vắt lên trán đầy ưu tư, người đang ngả lưng thiếp ngủ ngon lành mặc tiếng còi xe cấp cứu chốc chốc chạy qua rẽ thẳng vào sảnh khoa. Chị Nguyễn Thị Quế, vợ của bệnh nhân Nguyễn Văn Đông, 49 tuổi (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nét mặt bải hoải, mắt thâm quầng. Chồng chị sau ca phẫu thuật căn bệnh phình mạch máu não hôm 10-11, đến nay vẫn chưa tiến triển.

Nhà anh Đông làm bốn sào ruộng, cày cấy quanh năm chỉ đủ ăn. Để có tiền trang trải các khoản chi tiêu khác, anh Đông làm thêm nghề thợ xây, mỗi tháng được gần ba triệu đồng. Cuộc sống vốn không dư dả, trong khi con trai, con gái vừa trưởng thành chưa có điều kiện để giúp đỡ bố mẹ, căn bệnh hiểm nghèo bỗng ập đến khiến cả nhà lao đao. Dù các bác sĩ khuyến cáo trường hợp anh Đông nếu phẫu thuật nguy cơ tử vong tới 80%, song còn nước còn tát, chị Quế cấp tốc vay mượn khắp nơi mới có đủ 100 triệu đồng để lo cho ca mổ và dưỡng bệnh cho chồng.

Không có bảo hiểm y tế, mỗi ngày ngoài chi phí ăn ở cho người nhà, tiền giường và tiền thuốc cho bệnh nhân Đông tốn hơn ba triệu đồng. Chị Quế cho biết, từ hôm chồng nằm viện chị mất ngủ triền miên, phần vì người chăm bệnh không có giường nằm, phần vì nhìn thấy người thân đến thăm chồng lại nghĩ đến món nợ vừa vay họ mấy hôm trước. “Mỗi ngày trôi qua lại mất hơn ba triệu, trong khi vợ chồng tôi mỗi tháng may ra mới kiếm được ngần ấy. Có người đến thăm chồng tôi cũng có ý trách móc sao không mua bảo hiểm y tế để phòng khi có bệnh đỡ thiệt thòi. Nhưng chồng tôi đi xây quanh năm, tôi bận bịu việc nhà lẫn đồng áng có nghĩ được điều đó đâu, mà cũng không thấy ai chia sẻ việc này”, chị nói.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y do không có bảo hiểm y tế đã không kham nổi các khoản chi phí điều trị đành phải xin ra về. Chị Vàng A Seo, 42 tuổi, ở Sìn Hồ, Lai Châu mắc bệnh Hemophilia (một rối loạn của hệ thống đông máu) nặng, sau khi điều trị hai ngày tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phải xin ra viện ngay. Nhà chị làm nương rẫy, đông con nhỏ, khi bệnh nặng phải về Hà Nội chữa trị, cả nhà gom góp mang theo người chưa đầy năm triệu đồng. Cũng do không có bảo hiểm y tế nên mức chi phí chị phải thanh toán là sáu triệu đồng/ngày. Người thân của chị ai cũng nghèo không có tiền để cho vay, ruộng vườn không thể bán, trong khi hành trình chữa bệnh còn rất xa, chị đành chấp nhận chịu cơn đau đớn của bệnh tật, gạt nước mắt xin về.

Gánh nặng, đường xa

Gương mặt khắc khổ, mắt trũng sâu, chị Nguyễn Thị Nguyên, 47 tuổi (quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nói run rẩy: “Chồng tôi đang yếu lắm, chẳng biết mai này sẽ ra sao”. Chồng chị, anh Phạm Văn Thanh, 48 tuổi không may mắc bệnh U lymphô không Hodgkin (một dạng ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết) từ tháng 2-2014, luôn sống trong tình trạng bị đau ngực, khó thở, sốt và nổi hạch ở cổ. Tính cả đợt đầu nằm điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đến nay anh Thanh đã trải qua sáu đợt truyền hóa chất. Vợ chồng chị Nguyên làm nông, có hai con nay người con đầu đang đi bộ đội, người con sau học trung học phổ thông. “Gần một năm nay phải đi theo chăm chồng nên ruộng vườn ở nhà không có ai làm. Lần nào đưa chồng lên Hà Nội chữa bệnh tôi cũng cầm theo 30 triệu đồng. Phần lớn đó là số tiền vay mượn, vậy mà trở về có lần chỉ còn vài trăm nghìn, mặc dù chúng tôi có bảo hiểm y tế chỉ phải trả 20% chi phí thuốc men và tiền nằm viện”, chị Nguyên mắt ngấn lệ.

“Nhiều bệnh nhân điều trị ở khoa Điều trị bệnh máu tổng hợp 2 có bảo hiểm y tế chi trả 80% cũng đã vất vả, cực nhọc lắm. Bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm y tế chắc phải ra về vì không kham nổi, do điều trị tại khoa đa phần là bệnh nhân nặng”, bác sĩ Vũ Dương (khoa Điều trị bệnh máu tổng hợp 2) cho biết. Bác sĩ Dương dẫn chứng, trường hợp anh Phạm Văn Thanh mỗi ngày chi phí tiền thuốc 1,5 triệu đồng, chưa tính tiền giường bệnh, mỗi đợt điều trị kéo dài chừng một tháng. 20% của chi phí phải trả một đợt chữa bệnh quá đủ để kinh tế gia đình anh nếu khấm khá cũng phải cạn kiệt.

Và không chỉ có người nông dân mới rơi vào cảnh túng quẫn khi bệnh tật bất ngờ ập đến. Nhiều người về hưu, ngay với công nhân viên chức mắc các bệnh hiểm nghèo nếu có bảo hiểm y tế thì với mức phải chi trả 20% cũng đã quá sức nhiều người. Thạc sĩ Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nan y vào viện này chữa trị đã làm kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế hộ nghèo chỉ phải trả 5% cũng là điều không đơn giản, bởi bệnh đòi hỏi phải chữa lâu dài trong khi tiền chi phí thuốc men khá cao. Theo thạc sĩ Lê Lâm, tiếp xúc các trường hợp bệnh nhân ông thấy nhiều người không chú trọng đến việc mua cho mình thẻ bảo hiểm y tế, nên khi mắc bệnh hiểm nghèo mới tá hỏa thì đã muộn.

Theo thạc sĩ Lê Lâm, nhằm chia sẻ với bệnh nhân, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phát động phong trào “Mỗi cán bộ công nhân viên làm một việc tốt vì người bệnh”, huy động được nhiều sự hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo giúp họ vượt qua khó khăn. Trường hợp bệnh nhân Vàng A Seo (Lai Châu) chi phí hai ngày nằm viện hết 12 triệu đồng được Viện chi trả toàn bộ nhờ trích số tiền từ quỹ phúc lợi do cán bộ công nhân viên của Viện đóng góp. Tính riêng năm 2013, Viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ được 400 triệu đồng để hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, giúp họ yên tâm chữa bệnh.

“Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để phòng lúc ốm đau, bệnh tật có điều kiện chi trả. Tham gia bảo hiểm y tế cũng chính là cộng đồng đã chia sẻ gánh nặng với người bệnh trong lúc các chi phí y tế còn cao như hiện nay”, thạc sĩ Lê Lâm nói.
TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, nhất là phụ nữ, trẻ em, thông qua một số phương tiện truyền thông thời gian qua đã kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ các bệnh nhân giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tiền ủng hộ các nhà hảo tâm chuyển thẳng đến người bệnh.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo nhandan.org.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.