Nhìn lại các dự án Luật được thông qua với tỷ lệ thấp kỷ lục

Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật Hôn nhân gia đình hay Luật bảo hiểm xã hội…là các dự án được thông qua năm 2014 với tỷ lệ tán thành rất thấp, thậm chí có Luật chỉ nhận được hơn 55% ý kiến đồng thuận.
Luật giáo dục nghề nghiệp được thông qua chỉ với tỷ lệ tán thành 55%.

Một trong những dự thảo luật được Quốc hội thông qua đợt tháng 11/2014 có tỷ lệ tán thành thấp nhất trong nhiều năm nay là Luật giáo dục nghề nghiệp. Là một trong những luật được Quốc hội thông qua vào thời điểm cuối kỳ họp thứ 8, lại không phải có nhiều vấn đề tranh cãi như nhiều luật khác, song điều làm nhiều người kinh ngạc là Luật giáo dục nghề nghiệp lại chỉ được thông qua với tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, khi luật thông qua chỉ có 274/412 đại biểu bấm nút tán thành (chỉ đạt 55,13%), và có tới 125 đại biểu không tán thành, 13 đại biểu còn lại không biểu quyết.

Khi Luật giáo dục nghề nghiệp được thông qua sẽ được điều chỉnh theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Song về nội dung này, nhiều ý kiến cũng tỏ ra không đồng tình, vì cho ràng việc hợp nhất như vậy là chưa phù hợp với quy định của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học.

Còn nhớ trước đó, sau khi triển khai thăm dò ý kiến với 336 phiếu, thì có 114/336 phiếu đồng tình giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội làm đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp; 99 phiếu đề nghị giao cho Bộ Giáo dục, 96 phiếu đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp, và 27 phiếu còn lại có những ý kiến khác. Vì chưa có phương án nào quá bán nên cả Quốc hội và Chính phủ đều cho rằng chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm này. Mặc dù vậy, cuối cùng dự án Luật cũng được đưa ra biểu quyết và được thông qua tại kỳ họp 8 vừa qua.

Một dự án khác cũng được thông qua với tỷ lệ tán thành khá khiêm tốn là Luật hôn nhân gia đình. Mặc dù chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2014, song Luật này chỉ được thông qua với tỷ lệ tán thành 60%. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tán thành thấp như vậy, có lẽ vì Luật hôn nhân gia đình vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đưa ra những quy định tương đối chặt chẽ như phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, có xác nhận của tổ chức y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung, phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng… Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lại tỏ ra không đồng tình với quy định này, vì còn băn khoăn về những hậu quả khó lường có thể xảy ra.

Một nội dung khác cũng còn nhiều ý kiến khác nhau là vấn đề hôn nhân đồng tính là không thừa nhận hôn nhân cùng giới thay vì cấm kết hôn như trước đây. Bên cạnh đó, việc bỏ đi điều 16 quy định việc chung sống giữa người cùng giới tính cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường Lê Quang Bình, việc bỏ quy định này sẽ tiếp tục duy trì sự phân biệt đối xử với người đồng tính, nghĩa là họ tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội…

Một dự án Luật khác cũng được thông qua tại kỳ họp 8 với tỷ lệ khá thấp là Luật bảo hiểm xã hội khi tỷ lệ tán thành chỉ trên 70%. Có thể nói Luật này sẽ tác động đến đa số người lao động và trước khi thông qua vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí còn có những ý kiến đề nghị chưa nên thông qua.

Luật này quy định cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần theo số năm đóng bảo hiểm. Nghĩa là bắt đầu từ năm 2018, mức lương hưu sẽ bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Đối với lao động nam, từ năm 2019 mức này sẽ tương tứng với 17 năm… và từ 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2% với mức tối đa bằng 75%.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện theo lộ trình trên để người lao động “có thời gian thích nghi” với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt với lao động nữ.

Tuy nhiên trước đó khi thảo luận về Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu đã tranh luận gay gắt với nhiều luồng ý kiến trái chiều, thậm chí có những ý kiến còn không đồng tỉnh với cả hai phương án đưa ra, vì cho rằng cách tính như vậy sẽ làm giảm đi quyền lợi của người lao động.

Một số Dự thảo luật khác được Quốc hội thông qua vào năm 2014 với tỷ lệ tán thành cũng khá thấp là Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Trước đó hai dự án luật này cũng được tranh luận gay gắt trong nhiều phiên thảo luận với rất nhiều ý kiến khác nhau từ phía đại biểu Quốc hội.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo infonet.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.