Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình

(Cadn.com.vn) – Từ ngày 1-1-2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung, sửa đổi có hiệu lực, có một số điểm mới quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tuy nhiên, quy định về việc toàn bộ thành viên của hộ gia đình phải tham gia BHYT là bất cập đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng về vấn đề này.

P.V: Thưa ông, không ít hộ có hoàn cảnh khó khăn đều cho rằng việc Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, quy định toàn bộ thành viên trong hộ gia đình phải tham gia BHYT đã gây không ít khó khăn cho những gia đình đông người, có hoàn cảnh khó khăn, vì họ không đủ điều kiện để mua BHYT cho cả gia đình? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Đinh Văn Hiệp: Từ ngày 1-1-2015, không còn BHYT tự nguyện, mà là hình thức BHYT tự đóng, mang tính bắt buộc. Đặc biệt, hộ gia đình là đối tượng tham gia BHYT, toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình phải tham gia (nếu chưa tham gia theo nhóm đối tượng khác). Việc quy định các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức chia sẻ rủi ro cho người khác mà BHYT luôn hướng đến.

Hơn nữa, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình, cụ thể: người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Hiện nay, tại Đà Nẵng, có một số người đã tham gia BHYT hộ gia đình, nhưng chưa đủ toàn bộ thành viên trong hộ tham gia, BHXH TP vẫn phát thẻ cho những đối tượng này và tiếp tục vận động cho người dân hiểu để số người còn lại sẽ tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế, có một số hộ có hoàn cảnh khó khăn, BHXH chúng tôi sẽ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình với cấp trên để có giải pháp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Gia đình Đà Nẵng là bệnh viện đầu tiên thanh toán BHYT đúng tuyến
cho tất cả các trường hợp tham gia BHYT. Ảnh: P.V

P.V: Được biết để tạo điều kiện cho các đối tượng khó khăn tham gia BHYT, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ (hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo tại các huyện nghèo; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình…). Vậy, đối với những đối tượng không khó khăn về kinh tế nhưng không tham gia BHYT, thì vấn đề chính lại là ý thức, nhận thức của họ đối với BHYT chưa đầy đủ. Vậy, BHXH có giải pháp gì để vận động nhóm đối tượng này?

Ông Đinh Văn Hiệp: Chúng tôi tham mưu chính quyền các cấp để có các văn bản chỉ đạo quyết liệt: tăng cường số đại lý thu BHYT xã, phường (hiện có đại lý do UBND xã, phường lập danh sách và đại lý là nhân viên bưu điện) và đây cũng là một trong những giải pháp để tăng độ bao phủ BHYT trên địa bàn Đà Nẵng. Đồng thời, kiên trì vận động, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về BHYT toàn dân.

Mặt khác, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân, với những quyền lợi tốt hơn so với trước đây đối với người tham gia BHYT cũng sẽ thu hút sự quan tâm của người dân đối với BHYT: người tham gia BHYT được chi trả trong trường hợp tai nạn lao động; khám chữa bệnh (KCB) trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; KCB tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra; trẻ em dưới 6 tuổi được Quỹ BHYT chi trả khi điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ; thân nhân liệt sỹ được hưởng chi phí vận chuyển; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm trên 6 tháng lương cơ sở thì quỹ BHYT chi trả 100%, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến; người nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, được nâng mức hưởng BHYT từ 95% lên 100%; thân nhân người có công còn lại, hộ cận nghèo được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%…

Ngoài ra, quy định thông tuyến KCB BHYT theo từng lộ trình từ tuyến quận, huyện đến tuyến tỉnh, cũng sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia BHYT và theo đó, các bệnh viện, cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng KCB. Trước đây, giá viện phí tại các bệnh viện do UBND các tỉnh, thành phố ban hành, thì sắp đến sẽ ban hành giá viện phí đối với các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc, nhằm đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho người tham gia BHYT…

P.V: Thời gian qua, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có độ bao phủ BHYT cao nhất nước. Liệu, theo quy định mới nêu trên của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, có ảnh hưởng gì đến thực hiện BHYT toàn dân của Đà Nẵng không, thưa ông?

Ông Đinh Văn Hiệp: Tính đến hết năm 2014, Đà Nẵng có 92,5% dân số có BHYT và là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân cao nhất nước. Tuy nhiên, với quy định mới về BHYT hộ gia đình, chúng tôi cũng lo ngại sẽ ảnh hưởng nhất định đến BHYT toàn dân của TP.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo cand.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.