Người dân vẫn “tiếc tiền” mua bảo hiểm y tế cho cả nhà

Bộ trưởng Bộ Y tế hỏi thăm bệnh viện tại Bệnh viện quận Bình Thạnh (Minh Quân)

Theo quy định mới về bảo hiểm y tế (BHYT) được bắt đầu áp dụng từ năm 2015, người dân muốn mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện riêng lẻ sẽ không được giải quyết. Muốn mua BHYT tự nguyện, cả hộ gia đình cùng phải tham gia. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai quy định này, một thành phố có thu nhập cao nhất nhì cả nước như TPHCM vẫn gặp nhiều vấn đề khó.

Sáng nay (13.3) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND phường 14, quận Bình Thạnh, Bệnh viện Quận Bình Thạnh TPHCM về vấn đề triển khai BHYT.

Số liệu báo cáo của UBND phường 14, quận Bình Thạnh, sau hơn 3 tháng triển khai quy định mới về BHYT, hiện đã có hơn 70% người dân ở phường tham gia BHYT.

Đây là một con số được Bộ trưởng đánh giá khá cao. Tuy nhiên, 30% còn lại người dân còn lại không hoặc chưa tham gia BHYT không phải là một con số nhỏ, chứa đựng nhiều vướng mắc cần giải quyết.

Theo lý giải của bà Trần Thị Thu Trang – Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận Bình Thạnh, việc triển khai BHYT theo hộ gia đình còn nhiều khó khăn. Mặc dù việc mua BHYT theo hình thức này đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời hỗ trợ mức đóng BHYT đối với các thành viên trong hộ gia đình. Tuy nhiên, ở bước đầu thực hiện, người dân vẫn chưa hiểu hết lợi ích của việc mua BHYT theo hộ gia đình, nhiều người tỏ ra không hài lòng và không tham gia BHYT.

Bên cạnh vấn đề khó trong thuyết phục người dân tham gia, BHYT triển khai theo hộ gia đình còn vướng mắc ở những gia đình có người thân tạm vắng, đi làm ăn xa khỏi địa phương. Nếu những thành viên này chưa chứng minh được với phường rằng mình đã tham gia BHYT tại một địa phương khác thì phường chỉ dám linh động giải quyết cho hộ gia đình đó bằng loại thẻ BHYT tạm thời, sử dụng trong vòng 3 tháng.

Sau 3 tháng đó, nếu các thành viên tạm vắng chứng minh được rằng mình đã tham gia BHYT ở một nơi khác bằng việc thẻ BHYT photo, công chứng thì phường mới kê khai và cấp lại BHYT chính thức cho các thành viên còn lại trong hộ gia đình đó.

Đồng thời, bà cũng cho biết, trên Fanpage, Facebook cá nhân của mình, nhiều người dân vẫn nhắn hỏi Bộ trưởng về nơi mua, đăng ký BHYT. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các phường cần có một đại lý bán BHYT cho người dân. Đó là cách để thu hút người dân tham gia BHYT thay vì chỉ đến phường – nơi thường trú để đăng ký tham gia.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cao vai trò mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Hình thức này sẽ tránh giúp cho các bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố bớt quá tải. Bộ trưởng cho biết sẽ để các phòng khám tư nhân hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh để người dân có thể đăng ký tham gia BHYT ban đầu.

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng, nên đầu tư cơ sở khám chữa bệnh cho các trung tâm y tế phường xã, để người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cách làm đó không hiệu quả. Bởi dù trạm y tế phường xã có đầu tư tốn kém đến mấy thì người dân cũng khó lòng tin tưởng và tham gia. Đơn cử như báo cáo của đại diện Trung tâm y tế phường 14, quận Bình Thạnh, mỗi ngày, trung tâm chỉ tiếp nhận từ 5-7 người dân.

Do đó, Trung tâm y tế phường xã chỉ nên làm tốt vai trò chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân, cấp các loại thuốc theo chương trình mục tiêu, chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính.

Với các bệnh nặng, người dân nên được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong tương lai, BHYT có thể áp dụng hình thức thông tuyến. Người dân có thể đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở trung tâm y tế phường xã nhưng cũng có thể khám chữa bệnh ở tuyến quận huyện trong trường hợp cần thiết.

Bộ Y tế cho rằng, với một thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nhì cả nước như TPHCM, việc mỗi người dân bỏ ra 200-300 nghìn đồng mua BHYT không phải là điều khó khăn. Do đó, địa phương cần tạo điều kiện, giải quyết linh động để toàn dân có thể vui lòng tham gia BHYT.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.