Mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình: Vẫn khó!

Sau gần 3 tháng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng  Vụ Bảo hiểm Y tế- Bộ Y tế cho biết, hiện việc thực hiện mua BHYT theo hộ gia đình vẫn còn một số khó khăn.

Thời gian qua, nhiều người dân gặp khó khi mua BHYT do thủ tục phức tạp, rườm rà. Ảnh: D Ngân

Dân thờ ơ, vì sao?

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), từ ngày 1-1-2015 khi đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm dần mức đóng theo số thành viên đăng ký. Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Thực tế hiện nay mức đóng phí BHYT chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở là 621.000 đồng. Do vậy, chiếu theo quy định, người thứ hai mua thẻ BHYT với giá bằng 70% người đầu, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm trở đi là 40%.

Bà Dương Thị Phương Lan- Ô chợ Dừa- Hà Nội nói: Gia đình tôi có 8 thành viên, trong đó có 3 người con làm Nhà nước có thẻ BHYT, còn lại 3 đứa con bán trà đá vỉa hè, công việc không ổn định, cộng với hai vợ chồng tôi, khó khăn về kinh tế, nếu muốn mua cho cả nhà phải mất khoảng gần 2 triệu đồng.

Một cán bộ bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, nhiều năm nay, tỉnh này huy động cả Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng UBND xã đi vận động từng gia đình nhưng cũng chỉ được 10% số đối tượng tham gia, do các gia đình khó khăn về kinh tế. Có ý kiến cũng lo ngại, khi mua một lần cho tất cả thành viên gia đình thì số tiền phải trả tăng, gây tâm lý e ngại cho chủ hộ.

Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, hiện thủ tục hành chính khi người dân tiến hành mua thẻ BHYT theo hộ gia đình còn khá phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Mừng- phố Nguyễn Chí Thanh- Hà Nội cho biết: Nhà tôi chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội từ năm 2013, lúc đó gia đình mới có 3 thành viên, còn một con trai do làm ăn ở trong Bình Dương nên tôi không đăng ký tạm trú tạm vắng. Nhưng năm nay, do muốn về đoàn tụ với gia đình nên con của tôi ra Hà Nội sinh sống vào tháng 3-2015, nên chưa kịp đăng ký tạm trú.

“Vừa qua tôi có ra phường để đăng ký làm thẻ BHYT nhưng vẫn chưa làm được thẻ vì con thứ 2 của tôi không đăng ký tạm trú nên cán bộ phường không nắm được danh sách, do vậy chưa thể tiến hành thủ tục mua thẻ BHYT theo hộ gia đình cho tôi”, bà Mừng than thở.

Chỉ xảy ra ở một số nơi?

Đem những phản ánh về bất cập trong việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình thời gian vừa qua đến ông Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế- Bộ Y tế, ông Toàn thừa nhận: Thời gian qua, việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Ở tuyến xã phường, do khối lượng công việc của UBND cấp xã nhiều, chưa tổ chức lập danh sách cho tất cả các hộ gia đình trên địa bàn ngay được mà mới chỉ lập danh sách những hộ đăng ký mua thẻ BHYT. Người dân thiếu thông tin về kê khai, lập danh sách, nơi mua BHYT.

“Theo quy định, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình phải có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, nhưng việc xác nhận của chính quyền đối với người tên trong sổ hộ khẩu và sổ tạm trú gặp khó khăn do người dân chưa thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…”, ông Toàn thừa nhận.

Bên cạnh đó vị Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cũng thừa nhận, thời gian qua, nhiều người dân gặp khó khi mua BHYT do thủ tục phức tạp, rườm rà. Tuy nhiên ông Toàn khẳng định, tình trạng trên chỉ xảy ra ở một số đại lý, chứ không phải tất cả.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Toàn là do lo lắng về trách nhiệm. Ví dụ ở TP.HCM, một số nơi cán bộ đại lý yêu cầu người tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của các thành viên bằng cách yêu cầu photo thẻ BHYT, xin xác nhận tại nơi làm việc hoặc cơ quan chức năng.

“Điều này là máy móc, không thể hiện đúng tinh thần dơn giản thủ tục. Luật BHYT đã giao trách nhiệm cho UBND xã, là cơ quan có thẩm quyền trong việc lập danh sách đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT tại địa phương, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm rà soát các đói tượng. Do đó, người dân không có trách nhiệm phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của các thành viên khác mà chỉ cần khai báo các thành viên trong hộ gia đình thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo các đối tượng và được UBND cấp xã, phường xác nhận theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam”, ông Toàn khẳng định.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.