Mở rộng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều trăn trở

Sáng nay (6/11), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Những nội dung chủ yếu của dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động – Những đề xuất, kiến nghị”. Còn không ít vướng mắc về dự thảo Luật này, trong đó nổi cộm là vấn đề mở rộng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động(TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Nông dân cũng có thể tham gia mô hình Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN

Nông dân cũng có thể tham gia mô hình Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN

CôngThương – Dự thảo Luật ATVSLĐ mở rộng thêm đối tượng người lao động không có hợp đồng lao động có thể tự nguyện tham gia mô hình Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, dự thảo Luật cũng bổ sung thêm hai nội dung chi từ Quỹ này đó là: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.

Theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Việc quy định bổ sung những quy định này xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất, đây cũng là chủ trương của Nhà nước đối với công tác phòng chống TNLĐ, BNN. Thứ hai, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ đóng vai trò như “bà đỡ” cho người lao động và DN. Quỹ sẽ thực hiện trách nhiệm với người bị TNLĐ, BNN trong trường hợp DN gặp khó khăn, giải thể hoặc phá sản, cần sự chia sẻ rủi ro…Thêm một lý do nữa là nhằm hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp trong trường hợp sức khỏe yếu sau tai nạn, không đảm nhiệm được công việc cũ…

Có thể thấy, tính nhăn văn thể hiện rất rõ trong Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại: khi khuyến khích lao động tham gia tự nguyện vào Quỹ sẽ gặp phải trở ngại tương tự như bảo hiểm y tế, đó là người dễ bị TNLĐ, BNN thì có tham gia, khi không có nguy cơ, bệnh tật thì không tham gia, như vậy sẽ làm tăng bù chi từ ngân sách.

Hơn thế nữa những thủ tục hành chính cho việc thực hiện này rất khó. Vì để xác minh thế nào là TNLĐ (do không có người sử dụng lao động) thì cơ quan thanh tra lao động điều tra lập hồ sơ rất phức tạp (liên quan đến hiện trường, nguyên nhân). Đối với việc xác định BNN phải thông qua khám phát hiện bệnh, là nghiệp vụ đòi hỏi chuyên môn sâu, không phải cơ quan y tế nào cũng thực hiện được (ngay cả BNN trong khu vực có quan hệ lao động mới chỉ xác định và điều trị chủ yếu được 11/29 bệnh). Sau đó phải xác định tỷ lệ thương tật qua giám định làm căn cứ tính mức trợ cấp, bồi thường. Đồng thời, việc giám định thương tật, xác định tỷ lệ tổn thương cho hàng vạn người dân nếu họ có yêu cầu là vấn đề cần phải tính đến.

Bên cạnh đó, nếu số lượng người tham gia đông, số người bị tai nạn lao động nhiều, thủ tục lại phức tạp như đã nêu ở trên thì tổ chức hiện tại của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, bởi họ còn phải tập trung giải quyết khu vực làm công ăn lương.

Chính bởi vậy nên nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể để người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ, tránh việc lạm dụng quỹ bảo hiểm. Ngoài ra, cần thay đổi quy định về mức đóng theo hướng linh hoạt nhằm giảm chi phí cho người sử dụng lao động thay cho mức đóng cố định hiện nay, đối với một số ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao có thể xem xét áp dụng mức đóng cao hơn, mức chi cao hơn hoặc ngược lại. Cơ quan chức năng cần có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện các chính sách này đối với việc cân bằng quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baocongthuong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.