Lương tăng, thu nhập có tăng?

KTĐT – Chính sách tiền lương năm 2015 có nhiều thay đổi theo hướng tăng thêm cho người lao động (NLĐ). Điều này không chỉ khích lệ NLĐ làm việc, mà còn góp phần hài hòa lợi ích giữa NLĐ và chủ DN.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, lương tăng, nhưng thu nhập của một số đối tượng chưa chắc đã tăng.
Nhiều lợi ích cho NLĐ
Theo quy định mới có hiệu lực từ 1/1, nhiều đối tượng NLĐ có mức lương thấp được tăng. Trong Nghị định 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng được tính tăng hơn. Cụ thể, NLĐ thuộc vùng I được 3.100.000 đồng/tháng; 2.750.000 đồng/tháng đối với vùng II; 2.400.000 đồng/tháng đối với vùng III; và 2.150.000 đồng/tháng đối với vùng IV. Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, mức tăng này phù hợp với tốc độ tăng giá tiêu dùng, năng suất lao động và hài hòa lợi ích giữa NLĐ với chủ DN.
 

Nhân viên làm việc tại Bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. 	Ảnh: Chiến Công

Nhân viên làm việc tại Bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. Ảnh: Chiến Công

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Theo đó, đối tượng này được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở). Điểm đặc biệt, tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tính các loại phụ cấp lương. Điều này thể hiện sự quan tâm đến công tác an sinh xã hội, bởi những người mới đi làm có mức lương thấp, đời sống nhiều gia đình còn khó khăn. Chị Vũ Thị Nga, cán bộ Ban Tuyên giáo huyện Ba Vì (Hà Nội) rất phấn khởi khi biết thông tin này: “Tốt nghiệp đại học, tôi học thêm 2 năm lớp Tuyên giáo nguồn của Thành ủy Hà Nội, rồi về công tác tại Ban Tuyên giáo huyện Ba Vì được khoảng một năm. Với mức lương khởi điểm hệ số 2,34, vợ chồng tôi phải lo cho con nhỏ nên chi tiêu luôn phải chắt bóp. Khoản tiền được tăng thêm tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn”.
Ngoài ra, một số văn bản khác cũng có những quy định mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ. Tại Nghị định quy định tiền lương vừa được Chính phủ ban hành quy định rõ tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Cụ thể, ngày thường, ít nhất bằng 150%; ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ hưởng lương theo ngày. Còn theo Nghị định 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ, và Bộ luật Lao động 2012, mức lương đối với người giúp việc gia đình  và mức lương tối thiểu ngành cũng phải thay đổi theo mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1/1.
Muốn tăng thu nhập phải tăng năng suất lao động
Tuy mức lương tối thiểu của một số đối tượng tăng, nhưng theo một số chuyên gia, thu nhập của họ có thể sẽ không tăng. TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: Lương tối thiểu bình quân hiện nay là 2,3 – 2,5 triệu đồng/tháng, NLĐ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào mức lương này. Nhưng kể từ 1/7/2015 trở đi, khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, mức tính đóng bảo hiểm căn cứ vào thu nhập thực tế của NLĐ từ lương và các khoản có tính chất tương tự lương, bình quân ở mức 3,8 – 4,2 triệu đồng/tháng, nên thu nhập thực tế của một bộ phận NLĐ có thể bị giảm. Thu nhập thực tế của một bộ phận NLĐ có thể giảm do tăng lương tối thiểu và thực hiện cách tính đóng bảo hiểm mới, nhưng không mất đi, mà số tiền giảm chính là khoản tiết kiệm khi còn lao động để đến khi nghỉ hưu có nguồn thu nhập cao hơn.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, muốn tăng thu nhập khi lương tối thiểu tăng chỉ có cách duy nhất là tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, việc tăng năng suất lao động không phải DN nào cũng thực hiện được ngay, mà cần có thời gian. Bởi tăng năng suất lao động phụ thuộc vào 3 yếu tố: Kỹ năng của NLĐ; dây chuyền sản xuất, công nghệ, máy móc, thiết bị và tổ chức, quản trị sản xuất; cơ cấu lao động trong từng DN, từng ngành, từng lĩnh vực. Như vậy, để thu nhập của NLĐ tăng trưởng bền vững, nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển thì tăng năng suất lao động vẫn là “con át chủ bài”.

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.