Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực: Hàng chục triệu lao động sẽ được hưởng lợi gì?

GiadinhNet – Người đóng bảo hiểm “mừng rơn” vì quyền của họ ngày càng được nâng cao. Đó là ghi nhận chung về phản ứng của người dân khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chuẩn bị đi vào cuộc sống. Từ nay, người đóng Bảo hiểm sẽ có nhiều quyền hơn, đồng nghĩa với việc chủ sử dụng lao động cũng buộc phải “tử tế” hơn.

Quyền lợi người lao động ngày càng được nâng cao nhờ các chế tài quy định trong Luật BHXH mới. 	ảnh: M.A
Quyền lợi người lao động ngày càng được nâng cao nhờ các chế tài quy định trong Luật BHXH mới. ảnh: M.A

Lao động dưới 3 tháng cũng được đóng bảo hiểm

Ảnh hưởng, chi phối đến quyền lợi hàng chục triệu lao động chính là các quy định BHXH có trong Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ LĐ, TB&XH khẳng định, quyền lợi người lao động sẽ được đảm bảo hơn trước khi Luật BHXH được thực thi một cách triệt để. Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, trên thực tế, người lao động đã sớm tỏ thái độ lạc quan khi Luật mới được thông qua. Đặc biệt là số lao động yếu thế, thiếu công ăn việc làm ổn định và thường phải ký vào bản hợp đồng dưới 3 tháng với chủ sử dụng lao động.

Anh Nguyễn Phúc Vinh, Đồng Văn (Hà Nam) cho biết, do không có bằng cấp nên để có việc làm, anh thường xuyên phải ký hợp đồng ngắn hạn (dạng hợp đồng dưới 3 tháng). Trước đây, với dạng hợp đồng này, anh Vinh cũng như nhiều người lao động khác không có quyền mơ đến chính sách BHXH để khi hết tuổi lao động có đồng lương hưu. Tuy nhiên, Luật mới có hiệu lực, số đối tượng có việc làm bấp bênh như anh đương nhiên có quyền được đóng, hưởng chính sách BHXH bởi Luật mới quy định đây là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH.

Cùng đó, các lao động nằm trong diện phải đóng, hưởng chính sách BHXH cũng được tăng thêm quyền. Nếu như trước đây, khi nhận lương, chủ sử dụng lao động bao giờ cũng trừ tiền đóng bảo hiểm nhưng thực tế số tiền này có đến được cơ quan bảo hiểm hay không thì người lao động không hề hay biết. Đây là kẽ hở khiến nhiều người lao động bị thiệt thòi, nhiều cơ quan bảo hiểm “dính” nợ xấu kéo dài và phải tốn công sức khởi kiện. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác, người lao động được quyền giám sát hoạt động đóng bảo hiểm của cơ quan nơi làm việc. Thậm chí còn được nhận thông tin từ cơ quan BHXH nơi đóng.

“Gần chục năm “cày cuốc”, tiền BHXH lúc nào cũng được trừ đều đặn. Tuy nhiên, khi chuyển cơ quan, yêu cầu được chuyển BHXH thì mới thất vọng bởi cơ quan nơi làm việc không hề đóng tiền BHXH cho người lao động. Nay với Luật mới, đối tượng lao động như chúng tôi sẽ có quyền giám sát việc đóng BHXH của chủ sử dụng. Khi phát hiện ra chủ nợ đóng thì người lao động sớm có thông tin để đấu tranh” – chị Nguyễn Hồng Lan, từng làm việc cho một công ty chứng khoán ở Hà Nội bị nợ BHXH cho biết.

Việc đóng BHXH sẽ bị hơn 5.000 người “soi”

Về BHXH, một trong những vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, đến quyền lợi người lao động đó là hành vi nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm. Hàng loạt cơ quan BHXH trên toàn quốc đã phải kiện nhiều doanh nghiệp ra tòa để đòi tiền, đòi quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên với Luật mới và hàng loạt nghị định liên quan sắp được soạn thảo, ban hành thì doanh nghiệp không dễ để trốn đóng, chiếm dụng số tiền trên. Đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, với Luật mới, cứ định kỳ 6 tháng một lần, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH, hàng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.

Mặt khác, doanh nghiệp mới thành lập cũng không thoát “bàn tay” của cơ quan BHXH. Theo quy định, khi doanh nghiệp mới thành lập thì Sở KH&ĐT địa phương phải cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đó cho cơ quan BHXH. Từ văn bản này, cơ quan BHXH địa phương sẽ nắm được sự xuất hiện của doanh nghiệp cũng như các hợp đồng lao động phát sinh. Từ con số này cơ quan BHXH sẽ nắm được số lao động thực được ký kết và nằm trong diện phải đóng BHXH và kiểm soát việc chấp pháp trên mảng này.

Một trong những điểm mới trong Luật BHXH sửa đổi đó chính là có sự xuất hiện của cơ quan Thanh tra thuộc hệ thống BHXH. “Quyền lực” của cơ quan này đã được quy định rõ. Theo đó, Thanh tra BHXH có chức năng thanh tra hoạt động đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Về vấn đề này, ngày 26/1, trả lời câu hỏi của PV Báo GĐ&XH đặt ra quanh việc cơ quan BHXH đã chuẩn bị nhân lực, vật lực như thế nào cho hoạt động mới chưa từng có tiền lệ là thanh tra đóng bảo hiểm, Vụ trưởng Vụ BHXH Trần Thị Thúy Nga khẳng định, sẽ thêm quyền thanh tra cho bộ máy thu và kiểm tra BHXH. Con số thống kê cho thấy, hiện trên toàn quốc, bộ máy này hiện đang có 5.500 người. Như vậy, sắp tới, việc chấp pháp hoạt động đóng BHXH của doanh nghiệp, tổ chức sẽ được 5.500 người có chức năng thu, thanh tra “soi”.

Chậm đóng sẽ phải chịu lãi gấp đôi

Theo Vụ BHXH, trước đây, các doanh nghiệp thường sử dụng “chiêu” chiếm dụng vốn của BHXH do người lao động đóng, thay cho việc đi vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chiếm dụng vốn tràn lan là do mức lãi chậm đóng BHXHchỉ bằng lãi suất cho vay. Nay để chặn đứng hành vi chiếm dụng nêu trên, mức lãi chậm đóng của doanh nghiệp sẽ bị tăng lên gấp đôi so với lãi vay ngân hàng.

 Bảo Hiểm Bảo Việt (theo giadinh.net.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.