Lỏng lẻo trong quản lý lao động người nước ngoài tại khu vực phía Nam

Tỷ lệ lao động thất nghiệp tại các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam hiện vẫn chưa giảm; chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm nay đã có 82,5 ngàn lao động phải đăng ký để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy mà như một nghịch lý, hiện có tới hàng chục ngàn lao động nước ngoài với tỷ lệ không có trình độ cao chiếm trên 70% đã ồ ạt nhập cảnh vào thành phố và khu vực phía Nam làm việc.

Trong đó chỉ riêng các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ lúc cao điểm đã có 24,3 ngàn lao động nước ngoài vào làm việc cho các doanh nghiệp (DN) có vốn FDI; riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 17 ngàn người.

Đã không có trình độ cao, tình trạng lao động nước ngoài vi phạm về không đăng ký để được cấp phép lao động cũng chiếm tỷ lệ khá cao khi có tới 53% trong số lao động người nước ngoài làm việc tại khu vực phía Nam chưa được cấp phép.

Tình trạng DN FDI sử dụng lao động nước ngoài không thực hiện khai báo cũng diễn ra khá phổ biến, lên tới con số hàng ngàn DN. Riêng tại TP Hồ Chí Minh lúc cao điểm có tới 4 ngàn DN FDI vi phạm về khai báo định kỳ việc sử dụng lao động nước ngoài. Thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đồng Nai 5 năm gần đây cho thấy: Trong số hơn 53 ngàn lượt người nước ngoài tới tạm trú tại tỉnh này, chỉ có 2.229 người khai báo đến vì mục đích lao động. Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, chưa kể số lượng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động, hằng năm đều có khoảng 6 ngàn lao động được cấp phép làm việc trên địa bàn tỉnh.

Nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng đã ở lại làm việc.

Một số liệu khác của Ban Quản lý dự án Cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau cũng cho thấy, lúc cao điểm nhất tại công trường nhà máy điện Cà Mau có 3,7 ngàn lao động làm việc và đã có tới 1,73 ngàn lao động là người nước ngoài. Nhưng trong số này cũng chỉ có 677 người được cấp phép. Tại tỉnh Bình Thuận, trong số 694 lao động nước ngoài làm việc tại dự án nhiệt điện Vĩnh Tân đã có đến 363 lao động không phép. Còn tại tỉnh Long An, tuy có tới 866 lao động nước ngoài đang làm việc tại địa bàn, thì từ đầu năm tới nay phòng quản lý lao động – Ban quản lý các KCN Long An cũng chỉ cấp phép mới và cấp lại cho khoảng 150 người. 

Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với các mục đích như thăm thân nhân, du lịch sau đó mới đi tìm việc làm và xin giấy phép lao động. Hơn thế, kể từ đầu năm nay, khi Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn và tay nghề tương xứng, cụ thể, chuyên gia phải có trình độ đại học trở lên và 5 năm kinh nghiệm; lao động kỹ thuật phải qua đào tạo nghề ít nhất 1 năm và 3 năm kinh nghiệm… thì số lượng lao động nước ngoài không thể xin cấp phép càng gia tăng. Điều này đã cho thấy trình độ của phần lớn lao động người nước ngoài đang làm việc cho các DN trong nước cũng chỉ làng nhàng dù DN sử dụng lao động nước ngoài cứ đua nhau “nổ” rằng họ là chuyên gia, là lao động kỹ thuật cao.

Tình trạng trên cho thấy, lao động người nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam là hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng số người nhập cảnh dưới hình thức du lịch, học tập; sau đó tìm cách vào làm việc thời vụ cho các DN, giao kết hợp đồng làm việc khi chưa hề có giấy phép. Tình trạng trên cũng cho thấy sự lơi lỏng của chính quyền các địa phương trong việc quản lý với lao động người nước ngoài.

Để xử lý tình trạng này, những năm gần đây, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng như Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng… cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm trong sử dụng lao động nước ngoài tại các công trường xây dựng, nhưng mức xử phạt lại khá nhẹ. Chẳng hạn mức phạt với chủ dự án bauxite – nhôm Lâm Đồng là 45 triệu đồng; mức phạt với 13 DN sử dụng lao động nước ngoài trái phép tại Tây Ninh, Đồng Nai cũng chỉ có 90 triệu đồng, nên càng không đủ sức răn đe.

Vì vậy, để kiểm soát tình trạng này phải đặt mạnh chế tài với chủ sử dụng lao động. Ngoài những quy định trên, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Xây dựng và các địa phương phải kiểm soát được các công ty, nhà thầu nước ngoài đưa lao động vào Việt Nam. Với những lao động nước ngoài vi phạm về cấp phép lao động, Sở LĐ – TB và XH các tỉnh thành cần phải đề nghị trục xuất theo quy định

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo cand.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.