Không chi trả cho đối tượng khám vượt tuyến

QĐND – Từ ngày 1-1-2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới được quy định liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Cũng từ ngày 1-1-2015, Quỹ BHYT sẽ không chi trả cho người khám vượt tuyến.

Nhiều thay đổi trong BHYT

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, luật mới quy định mức thanh toán cho trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến và trái tuyến. Cụ thể, khi điều trị nội trú không đúng tuyến ở tuyến Trung ương, bệnh nhân được bảo hiểm thanh toán 40% chi phí; còn điều trị nội trú trái tuyến tỉnh, bệnh nhân được bảo hiểm thanh toán 60% chi phí, kể từ 1-1-2021 là 100%, nhưng người khám trái các tuyến trên không được bảo hiểm thanh toán. Đây là điểm khác rất rõ so với quy định như hiện nay là khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức khác nhau, từ 30% đến 70%. Tuy nhiên, theo quy định mới, khám, chữa bệnh trái tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh được bảo hiểm thanh toán 70% chi phí kể từ 1-1-2015, và thanh toán 100% kể từ năm 2016. Quỹ BHYT chỉ thanh toán đối với trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến nhưng phải điều trị nội trú trái tuyến bởi người bệnh phải điều trị nội trú thường mang bệnh nặng, cần được ưu tiên về điều kiện chữa trị.

 
Người bệnh thanh toán tiền khám BHYT tại Trung tâm Y tế thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Trong công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từ ngày 1-1-2016, Bộ Y tế cũng sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Cụ thể, người bệnh khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa tại tất cả các đơn vị tương đương trong tuyến trong cùng địa bàn tỉnh. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết, về nguyên tắc, vẫn phải quy định nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để làm cơ sở quản lý thẻ, theo dõi bệnh nhân, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên Luật sửa đổi lần này quy định thông thoáng hơn việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, nhất là đối tượng ở cơ sở. Từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hay bệnh viện huyện đều được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hay bệnh viện huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng theo mức quy định.

Theo quy định mới của Luật BHYT, cán bộ hưu trí là đối tượng được nâng mức hưởng từ 95% lên 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi. Đối với những người có giấy tờ xác nhận là người có công sẽ được chuyển đổi quyền lợi lên mức hưởng cao hơn.

Tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh

 

Nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT ổn định, liên tục và bảo đảm thực hiện nguyên tắc đóng/hưởng và công bằng hơn khi tham gia BHYT, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã quy định, khi người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh từ thời điểm đủ 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đến hết năm tài chính, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Về đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần mức đóng, ngoài những đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi xã hội như người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người hiện đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo, các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi… được ngân sách Nhà nước (NSNN) mua thẻ BHYT, thì còn nhiều nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ một phần mức phí BHYT như hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại; hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với đối tượng học sinh, sinh viên; hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khi người có thẻ BHYT ra nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh. Quy định này nhằm bảo đảm sự công bằng hơn về quyền lợi BHYT, tránh sự lạm dụng và khuyến khích phát triển công nghệ y tế hiện đại ở trong nước.

Phải tham gia BHYT cả hộ gia đình

Tham gia BHYT theo hộ gia đình là quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, bắt buộc toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia thẻ BHYT. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược”-một hiện tượng phổ biến trước khi luật này được ban hành, tức là chỉ khi ốm và chỉ những người ốm trong hộ mới tham gia BHYT. Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, luật đã quy định ưu tiên giảm trừ mức đóng BHYT từ thành viên thứ hai trở đi khi tất cả thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT, cụ thể hiện nay thực hiện như sau: Người thứ nhất có mức đóng = 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo qdnd.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.