Ít nhất 700 người chết vì tai nạn lao động mỗi năm

VOV.VN -Chế độ bảo hiểm hiện nay chưa hướng mạnh đến phòng ngừa rủi ro cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động

Theo Tờ trình của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội về Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động trình Quốc hội sáng 12/11, trong giai đoạn 2006 – 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động là trên 37.000 người.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền (Ảnh: Quang Trung)

Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thời gian qua theo Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đó là: Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lí nhà nước; 

Số lượng người được huấn luyện về ATVSLĐ năm sau tăng hơn năm trước nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp, còn cách xa so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ. Người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, chưa quen với tác phong công nghiệp và bị hạn chế về kỷ luật lao động, thiếu kỹ năng về ATVSLĐ nên chưa hiểu biết đầy đủ các mối nguy hiểm cần phải đề phòng;

Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, việc tổ chức quản lý sức khỏe người lao động tuy được tăng cường nhưng vẫn còn rất hạn chế (số nơi làm việc, số người lao động thuộc diện quản lý chiếm chỉ khoảng 10% tổng số). Riêng năm 2013, tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, loại V) chiếm 10% tổng số lao động được khám sức khỏe định kỳ.

Thẩm tra Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân tại Điều 35 và Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động tại Điều 57 của Hiến pháp cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, pháp luật về ATVSLĐ phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ do lao động thông qua những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc. Có cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động.

Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội ủng hộ quan điểm bổ sung thêm hai chính sách đó là chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc (Điều 53) và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 59).

Báo cáo thẩm tra cho rằng chính sách bảo hiểm ngắn hạn nhằm hỗ trợ và bảo vệ người lao động khi gặp rủi ro. Tuy nhiên, hiện chế độ bảo hiểm này mới chỉ thực hiện mục tiêu khắc phục rủi ro, chưa hướng mạnh đến việc phòng ngừa rủi ro cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy việc sử dụng Quỹ để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động sẽ hài hòa lợi ích và hợp lý hơn. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng đối với Quỹ, cần phải xác định rõ tiêu chí, điều kiện để hỗ trợ chi phí huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ.

Báo cáo thẩm tra cũng đồng tình với tờ trình của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội bổ sung Chính sách ATVSLĐ đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động vào dự thảo luật.

Để chính sách mới phù hợp với quá trình phát triển thị trường lao động, Ủy ban đề nghị xây dựng một chương riêng quy định về Chính sách đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động nhằm hình thành môi trường làm việc an toàn cho người lao động ở khu vực này, bao gồm: chính sách thông tin, giáo dục, tuyên truyền, tư vấn về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ huấn luyện khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và bắt buộc áp dụng quy chuẩn ATVSLĐ đối với một số nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định thẩm quyền của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để công bố Danh mục các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quy định về phát hiện, báo tin về nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động; trách nhiệm thông báo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định khuyến khích các tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng, công bố các tiêu chuẩn ATVSLĐ, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn lao động trong một số nghề, công việc để người lao động tự nguyện áp dụng nhằm tạo môi trường làm việc an toàn hơn./.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo vov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.