Hội nghị tham vấn về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Sáng 18/07/2014, tại Vĩnh Phúc diễn ra Hội nghị tham vấn về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) do Ủy ban các vấn xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh; Tỉnh ủy viên – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và 21 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính Dự án Luật BHXH (sửa đổi): vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 03 tháng; đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu; điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người suy giảm khả năng lao động; tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi 01% lên 02%; thay đổi cách tính tuổi nghỉ hưu hàng tháng; chế độ BHXH một lần; mức tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu và tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: sau 07 năm thực hiện, Luật BHXH phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH còn những tồn tại, hạn chế như, số lượng người tham gia BHXH còn thấp; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn khá phổ biến… Để đạt mục tiêu đến năm 2020 khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đòi hỏi cần phải có lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu từng năm, đồng thời phải sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ BHXH bắt buộc và tự nguyện để chính sách này hấp dẫn hơn với người lao động. Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này với mục đích bảo đảm sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng tham gia, quyền về An sinh xã hội của người dân, bổ sung một số chế độ cho phù hợp… hướng tới mục tiêu quyền lợi người lao động ngày một tốt hơn.

 

Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Thị Thúy Nga cho biết: Trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này quy định tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động làm việc theo hợp đồng dưới 03 tháng, điều này sẽ tạo điều kiện cho người lao động làm công việc mùa vụ có cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH; khắc phục tình trạng các doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động chuỗi dưới 03 tháng nhằm trốn đóng BHXH. Về để xuất tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp để nhằm cân đối quỹ, đảm bảo An sinh xã hội trong tương lai. Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu không thực hiện đồng loạt đối với mọi đối tượng mà thực hiện trước đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2016, đến năm 2020 trở đi thực hiện đối với người lao động trong các doanh nghiệp, không thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Những đối tượng thuộc diện tăng tuổi nghỉ hưu sẽ thực hiện có lộ trình, mỗi năm chỉ tăng thêm 04 tháng tuổi đến khi đạt 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Việc tăng tuổi lao động để hưởng lương hưu chỉ là một trong những giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cân đối Quỹ BHXH. Ngoài ra còn có các giải pháp khác như, thay đổi công thức tính lương hưu; điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH; tăng cường hiệu quả công tác quản lý về BHXH…

 

Một số ý kiến đại biểu đồng tình với nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đánh giá cao Dự án Luật BHXH (sửa đổi) có quy định về lao động nữ sinh con thì chồng được nghỉ việc theo chế độ thai sản… Các đại biểu đều cho rằng Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này để bảo đảm an toàn và thực hiện công bằng xã hội, cần thiết cần phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH… Đồng thời, các đại biểu cho rằng cần hạn chế giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần; cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao quản lý, lưu trữ BHXH, phát hành thẻ bảo hiểm điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong quá trình tham gia BHXH. Hằng năm có kế hoạch thanh tra để kiểm soát, xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đang diễn ra rất phức tạp trong doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động; tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đưa quy định về việc tính mức lương hưu hàng tháng để bảo đảm mức hưởng sẽ tương xứng với mức đóng, cũng như bảo đảm sự bình đẳng hơn giữa các nhóm đối tượng tham gia BHXH. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, đồng thời hứa sẽ tiếp thu, phân tích, nghiên cứu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện Luật BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đồng chí Bùi Sỹ Lợi phân tích: việc quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị trừ giảm 01% như hiện nay là không đảm bảo được nguyên tắc đóng, hưởng. Điều này dẫn đến việc người lao động nghỉ hưu sớm, tạo nên sự bất hợp lý giữa các đối tượng thụ hưởng và mất cân đối quỹ. Bên cạnh đó, theo Luật BHXH năm 2006, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa tại Việt Nam là 75% cao hơn so với các nước trên thế giới (tỷ lệ hưởng lương hưu trung bình của 30 quốc gia OECD là 60%; của 07 nước OECD Châu Á, Thái Bình Dương chỉ khoảng 40%; của các nước Đông Á/Thái Bình Dương là 47%; các nước Nam Á là 52%…). Mặt khác, việc cho phép người lao động chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp BHXH một lần là chưa phù hợp với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, dẫn đến khó khăn trong đảm bảo cuộc sống của người lao động khi hết tuổi lao động, bảo đảm An sinh xã hội. Từ thực tiễn đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị: cần quy định tính tỷ lệ % giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi phù hợp bối cảnh Việt Nam hiện nay. Giữ nguyên tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, nhưng thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu. Bên cạnh đó, cần quy định hạn chế giải quyết hưởng BHXH một lần, khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu khi về già. Đồng thời, để đảm bảo sự bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH giữa người lao động thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đảm bảo nguyên tắc đóng, hưởng; áp dụng đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/07/2015 trở đi, thì khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động khu vực ngoài nhà nước.
 

 

Đại biểu đại diện cho doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị

 
Chiều cùng ngày, tại UBND phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, Đoàn tiếp tục tổ chức tham vấn, lắng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đại biểu tham dự là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động tự do, cán bộ bán chuyên trách, người đang hưởng lương hưu, giáo viên mầm non, tiểu học trên địa bàn… Nội dung trao đổi về quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường; lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu; mức đóng và quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện… Tại đây các đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng tham gia BHXH; mức đóng BHXH tự nguyện cần linh hoạt, nên mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện; Nhà nước cần hỗ trợ mức đóng BHXH cho một số nhóm đối tượng để thu hút sự tham gia… Các ý kiến tại hội nghị được Đoàn công tác tổng hợp trình Quốc hội xem xét./.
Thái Dương
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.