Hiểm hoạ tai nạn từ công trình xây dựng

Những người thợ thường xuyên làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn lao động để lại hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra, tuy nhiên, qua khảo sát trên địa bàn thủ đô, tình trạng các công trình xây dựng không đảm bảo an toàn khi thi công vẫn diễn ra phổ biến…

Che chắn cẩu thả

Theo báo cáo của các ngành chức năng, số vụ TNLĐ gây chết người trong lĩnh vực xây dựng đang ngày càng gia tăng. Có tới 30% trên tổng số vụ TNLĐ hiện nay rơi vào lĩnh vực xây dựng (trong đó 55% do ngã, 24% vướng các vấn đề về điện, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình, 10% liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân). Có nhiều lý do, nhưng dễ thấy nhất, đó là thực trạng người lao động không được trang bị các thiết bị bảo hộ đảm bảo; tình trạng sơ sài trong che chắn tại các công trình xây dựng hiện nay cũng đang diễn ra nhức nhối; ý thức chấp hành của cả chủ xây dựng và người lao động đều hạn chế.

Có mặt tại công trình thi công 2 tầng nằm sâu trong ngõ 240 Khương Đình, nhiều người không khỏi giật mình bởi sự coi thường tính mạng của chủ xây dựng, khi công trình không được che chắn đảm bảo, bất chấp sự an toàn của người dân qua đây. Dù công trình thi công nằm liền kề với ngõ hẹp, nhưng lại không được che chắn theo quy định để đảm bảo an toàn. Chốc chốc, từng tảng vôi vữa, vật liệu rơi xuống khiến nhiều người giật mình lo lắng. “Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cho rà soát và yêu cầu chủ công trình phải thực hiện che chắn lại an toàn” – Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Nguyễn Công Ích cho biết.

Tại một công trình xây dựng khác số 601 phố Kim Mã, dù đã xây đến tầng thứ 3, công trình này chỉ được che chắn cẩu thả bằng mảnh phông bạt. Bên dưới, đủ các loại vật liệu xây dựng rơi vãi xuống con ngõ bên cạnh…

Coi thường an toàn bản thân

Theo thống kê gần đây đối với các vụ tai nạn trên địa bàn Hà Nội, thì chủ yếu người lao động đều không được qua đào tạo, hoặc đào tạo không cơ bản. Trên thực tế, có tới hơn 80% số công nhân trong ngành xây dựng là lao động thời vụ, không ổn định nên có tâm lý ngại tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Những thợ xây thường là phụ hồ lâu năm, trình độ lao động chưa cao, chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, cai thầu là những người trực tiếp nhận người – nhận việc thì phần lớn lại thiếu trình độ quản lý, thực hiện tuyển dụng đơn giản. Thậm chí, nhiều chủ công trình còn thiếu trách nhiệm quản lý, chỉ đến khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm của chủ công trình mới được nhắc đến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ tai nạn, trong đó, đa phần các đơn vị xây dựng tư nhân thiếu quan tâm đến công tác an toàn lao động; lực lượng thanh tra lao động mỏng… Điều đáng nói, bản thân nhiều người lao động cũng không tuân thủ chấp hành các yêu cầu đảm bảo an toàn.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, không chỉ riêng người lao động, mà quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những công trình xây dựng vi phạm về an toàn lao động.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.