Hà Nội gương mẫu triển khai Luật Bảo hiểm y tế và đạt hiệu quả

KTĐT – Đó là nhận xét của Phó GS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc sáng 10/3 với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điểm của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích ngọc, đại diện các  sở, ngành chức năng và lãnh đạo một số quận, huyện đã tham dự. 
Theo ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc BHXH TP, năm 2014, toàn Hà Nội có 5,08 triệu người có thẻ BHYT, đạt 71,6% dân số; số tiền thu BHYT đạt 5.200 tỷ đồng, chi 3.704 tỷ đồng. Trong đó TP đã hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho 134.579 đối tượng cận nghèo, với số tiền trên 72,673 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường hơn 2,05 tỷ đồng đóng 3.574 thẻ BHYT cho nhân dân 3 xã ở huyện Sóc Sơn và xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.
Năm 2014, toàn TP đã có hơn 7,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí ước 3,7 tỷ đồng, quỹ BHYT có kết dư. BHXH TP cũng tích cực thực hiện thanh tra, kiểm tra vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT, qua kiểm tra 114 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, đã từ chối chi trả hơn 12,6 tỷ đồng, góp phần, phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Theo kế hoạch,  thực hiện BHYT toàn dân, Hà Nội phấn đấu, năm 2015, đạt 75% đối tượng tham gia BHYT; năm 2016 là 78%, 2017 đạt 80,5%, 2020 đạt 85%…

Phó Bí thư TU, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại

Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Tại hội nghị, đại diện các bệnh viện (BV), quận, huyện đều phản ánh, khó khăn vướng mắc, đó là, theo quy định của Luật BHYT, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình phải đủ 100% thành viên có tên trong cùng hộ khẩu thường trú, tạm trú, khi triển khai thực tế nhiều người đã tham gia BHYT theo đối tượng tự nguyện trong năm 2015 hết hạn thẻ muốn tham gia tiếp, người tham gia mới nhưng các thành viên khác không tham gia hoặc không có điều kiện tham gia BHYT hoặc có thành viên trong gia đình lấy vợ, lấy chồng, đi làm ăn ở nơi khác không chuyển hộ khẩu, không tạm trú…  Nên không đủ điều kiện 100% tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Cũng theo quy định của Luật, UBND xã, phường có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có kinh phí hỗ trợ… Mặt khác, đa số các quận, huyện, thị xã chưa thống kê được chính xác dân số trên địa bàn đã có thẻ BHYT nên việc xây dựng chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng năm đến năm 2020 chưa sát thực tế…Ngoài ra, còn những thủ tục khó khăn khác, như trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám vượt tuyến, trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh trở lên và được chỉ định vào điều trị nội trú, hiện chưa có hướng dẫn thanh toán BHYT đối với các chi phí khám ngoại trú trước khi lập bệnh án vào điều trị nội trú…
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, Luật BHYT có 2 điểm quan trọng là BHYT bắt buộc, hộ gia đình và ngoài ra còn có thêm đối tượng học sinh sinh viên.  Ông đánh giá cao, Hà Nội đã triển khai Luật BHYT với tinh thần gương mẫu, bài bản và đạt hiệu quả. Trong đó đáng ghi nhận, là TP đã quan tâm hỗ trợ 100% đối tượng chính sách, người có công hộ cận nghèo, được hưởng BHYT. Tỷ lệ BHYT học sinh trên địa bàn TP đạt trên 90%, có nơi đạt 98% rất đang hoan nghênh. Theo Thứ trưởng, đạt kết quả trên, là do sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt và quan tâm cả kinh phí hỗ trợ của UBND TP và các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tin rằng, mục tiêu kế hoạch của TP sẽ đạt được, Thứ trưởng nói. 
Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, TP luôn quan tâm và coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo đồng chí Phó Bí thư TU, thời gian qua, TP đã đầu tư 20 tỷ để làm lại các phòng khám của các bệnh viện; đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển kỹ thuật cao; bố trí ngân sách để hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT cho người cận nghèo… Thời gian tới, TP tiếp tục đầu tư cho các cơ sở KCB; đồng thời chỉ đạo các BV và đội ngũ ý bác sỹ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, y đức, lấy người bệnh làm trung tâm,  nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thực hiện Luật BHYT như mục tiêu kế hoạch TP. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư TU Nguyễn Thị Bích Ngọc, cái khó của Hà Nội là, lưu lượng người lao động tự do trên địa bàn, công nhân các khu công nghiệp, sinh viên các trường di biến động liên tục nên để đạt tỷ lệ tham gia cao không dễ thống kê, đề nghị Bộ Y tế, BHXH tính toán, hướng dẫn và cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế phù hợp với đặc thù của mình. 

Hà Nội đang triển khai khám chữa bệnh BHYT tại 40 bệnh viện (BV) gồm: 27 BV tuyến TP, 13 BV tuyến huyện; 23 BV ngoài công lập, 52 phòng khám đa khoa khu vực và 500/ 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tổng số giường bệnh, theo kế hoạch toàn ngành là 10.713, trong đó 64% ở tuyến TP. 

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ktdt.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.