Gỡ vướng cho bảo hiểm y tế gia đình

Từ đầu năm đến nay, việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện của người dân trên địa bàn thành phố trở nên rắc rối, khó khăn và mất thời gian hơn trước. Có nhiều người mắc bệnh mạn tính đã tham gia BHYT tự nguyện từ lâu và hiện rất cần có BHYT để tiếp tục điều trị nhưng vẫn chưa mua được vì vướng quy định.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì, từ ngày 1-1-2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực. Trong đó có quy định người dân không còn được mua BHYT tự nguyện riêng lẻ mà phải mua BHYT tự nguyện theo gia đình và tất cả các thành viên trong gia đình cùng tham gia thì mới được giải quyết. Đây là một hình thức bắt buộc mua BHYT nhằm đạt mục tiêu toàn dân tham gia BHYT. Đi kèm với đó là chính sách khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình với những chính sách ưu đãi hơn so với quy định cũ. Khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi, mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất… Quy định này áp dụng cho tất cả thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú chưa tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Trên lý thuyết, việc mua BHYT theo hộ gia đình rất có lợi về mặt tài chính cho người mua, đồng thời tăng được số lượng người tham gia, góp phần khắc phục nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội thành phố, năm 2014 trên địa bàn thành phố có 909 nghìn người tham gia BHYT tự nguyện và phần lớn số người này có bệnh mạn tính hoặc bệnh nặng. Vì thế, nhóm BHYT tự nguyện đã sử dụng hết quỹ họ đóng và còn âm gần 1.500 tỷ đồng. Nhờ có quỹ BHYT của những người đang làm việc đóng cao nhưng chưa sử dụng tới nên dư hơn 2.000 tỷ đồng để bù lại 1.500 tỷ đồng bị bội chi của nhóm này. Thế nhưng, khi áp dụng vào thực tế thì việc mua BHYT theo hộ gia đình nảy sinh khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, những gia đình có nhiều thành viên trong sổ hộ khẩu nhưng đều đã trưởng thành, đi làm ăn xa và không phải ai cũng có điều kiện để mua BHYT. Lại có những trường hợp hộ khẩu ở thành phố nhưng lại đi làm ăn ở tỉnh khác, nếu tham gia BHYT gia đình thì mỗi khi đau ốm phải quay về thành phố để khám, chữa bệnh, mất thời gian một cách rất vô lý. Éo le hơn, có phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo, muốn mua bảo hiểm nhưng hiềm một nỗi đã ly dị, hộ khẩu lại ở nhà chồng cho nên không có cách nào mua được BHYT… Đó chỉ là một số vướng mắc nảy sinh sau một thời gian ngắn thực hiện bán BHYT hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Phần lớn các rắc rối nảy sinh rơi vào hộ nghèo không đủ tiền mua BHYT cho tất cả các thành viên cùng lúc và các chủ nhà trọ đăng ký tạm trú một lúc cho 30 đến 40 người là lao động tự do hay sinh viên trọ học vào cùng một sổ KT3. Điều đáng nói là tất cả những vướng mắc đó đều nằm ngoài tầm giải quyết của cơ sở.

Vì thế, Bảo hiểm xã hội thành phố cần xem xét để có phương án giải quyết và hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các đại lý bán BHYT để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần phối hợp ngành bảo hiểm để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Công an thành phố cần linh hoạt, sáng tạo trong cấp giấy xác nhận tạm trú, tạm vắng cho những người đến ở hộ gia đình nào đó hoặc đã đi nơi khác ở, học tập… để tạo thuận lợi cho những thành viên còn lại trong gia đình mua BHYT.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo nhandan.org.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.