Giảm lương hưu cân bằng quỹ BHXH: Cách làm sai!

“Khả quan nhất, là tập trung nâng cao tỷ lệ người tham gia, để lấy quỹ người đang đóng chi trả cho những người đang về hưu”.

TS Dương Xuân Triệu – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học BHXH thẳng thắn nhận định với Đất Việt.

Phải tăng số lượng người tham gia BHXH

PV:- Vừa qua, một trong những nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội được dư luận rất quan tâm là việc lương hưu đối với công chức, viên chức có thể giảm theo cách tính mới, mục đích là để cân bằng quỹ BHXH. Quan điểm của ông ra sao trước cách tính này?

TS Dương Xuân Triệu:- Tôi khẳng định giảm lương hưu sẽ không cân bằng được quỹ BHXH, bởi tỷ lệ người tham gia BHXH hiện nay vẫn còn rất thấp.

Cho nên việc quan trọng nhất hiện nay cần làm là nâng tỷ lệ người tham gia lên, nó sẽ đảm bảo kéo dài thời gian quỹ nhanh hơn, coi như giảm tỷ lệ hưởng đi. Còn giảm lương hưu dĩ nhiên cũng ảnh hưởng đến quỹ nhưng không nhanh bằng việc nâng tỷ lệ người đóng.

Đặc biệt, đến hiện nay, quỹ hưu trí chưa được 12 triệu người, trong khi lực lượng lao động bây giờ là hơn 40 triệu người, mà đáng lẽ ra số lượng này đều phải tham gia BHXH.

Nhưng thực tế thì bây giờ mới tham gia một số lượng nhỏ, nên theo tôi cần chú trọng vào chuyện tăng số lượng người tham gia. Theo tính toán của tôi đến khoảng năm 2024 thì khoản thu và chi sẽ bằng nhau, nên đến năm 2036 số tiền chi ra sẽ bị thâm hụt vào quỹ.

Ngược lại, nếu như số người tham gia đông lên thì thời gian sẽ kéo dài, chưa kể sau này nhà nước phải điều chỉnh tỷ lệ đóng tăng lên.

PV:- Nhiều người nói cách tính mới này sẽ gây thiệt thòi cho các cán bộ, công chức tham gia BHXH từ ngày 1/1/2015 khi mà tiền lương hưu sẽ giảm, ông có đồng tình không? Vì sao ạ?

TS Dương Xuân Triệu:- Tất nhiên số thời gian người tham gia cũ sẽ dài hơn số người tham gia mới, nên phải đảm bảo tính đúng đối với từng người.

Hiện nay, Quốc hội đồng ý tính bình quân 5 năm, 10 năm và toàn bộ, nên phải phân chia rõ ràng, đối với người mới tham gia thì tính bình quân toàn bộ, còn những người cũ thì phải tính cách cũ.

Điều đáng nói là theo tôi việc thay đổi cách tính, giảm lương hưu, nó không ảnh hưởng nhiều lắm đến chuyện vỡ quỹ. Cứ nói rùm beng lên như vậy thôi, chứ theo tôi nó không ảnh hưởng nhiều.

PV:- Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa, nhưng vấp phải phản đối từ dư luận, giờ lại thay đổi cách tính để giảm lương hưu. Điều đáng nói tiền BHXH đã được đóng ngay từ đầu, với cách tính mới thì có phải cán bộ, công chức dù đóng 10 để khi nghỉ hưu sẽ được nhận 2, nhưng giờ lại chỉ nhận được 1, có thể hiểu là đang cắt bớt tiền của dân hay không? Vì sao chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy?

Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra để cân bằng lại quỹ BHXH trong những năm vừa qua?

TS Dương Xuân Triệu:- Tôi cho rằng, bây giờ bắt buộc phải có thời kỳ quá độ, chấp nhận đối với những người tham gia cũ, thì tính theo kiểu cũ, rồi dần từng bước sẽ thực hiện cách tính mới với những người tham gia mới. Chứ còn nếu áp dụng tính cách mới với người cũ thì tất nhiên sẽ bị phản đối.

Còn mức lương hưu của VN so với quốc tế thì hoàn toàn không cao, ở các nước khác dù có tính thấp lương hưu xuống thì thu nhập trung bình của họ vẫn hàng chục ngàn đô cho 1 người, nên vẫn đảm bảo được cuộc sống.

VN lại khác, mức lương hưu là quá thấp, nếu giảm nữa thì sẽ rất thiệt thòi, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Còn hiện nay, nhiều yếu tố tác động đến quỹ BHXH, quan trọng nhất là số người tham gia BHXH, lấy tiền của những người tham gia để chi trả cho người đã về hưu, số người tham gia càng tăng thì ảnh hưởng càng tốt đến người về hưu, đây là bảo hiểm bắt buộc nên phải tăng số người tham gia bằng mọi cách thì nó sẽ dẫn tới việc cân bằng lâu dài hơn.

Giảm lương hưu cũng không cân bằng được quỹ BHXH

Giảm lương hưu cũng không cân bằng được quỹ BHXH

Còn nếu chia ra chiến lược, chiến thuật, thì theo tôi thấy chỉ có số người tham gia tăng thêm là chiến lược, còn tất cả các biện pháp kia chỉ là chiến thuật không đáng kể.

Tất nhiên tính đến nay là chúng ta đang kết hợp giữa chính sách XH với BHXH, nguyên tắc BHXH rất sòng phẳng. Ví dụ có một loạt chính sách cho các cán bộ nghỉ hưu trước tuổi: giảm tuổi về hưu, hưởng bao nhiêu quyền lợi khác, cứ hình dung 1 người nghỉ trước 5 tuổi, thì quỹ bảo hiểm sẽ phải chi 10 năm. Cho nên các chính sách XH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quỹ này, không chỉ tính toán được cân đối thu chi đơn thuần, mà còn phải tham gia giải quyết các chính sách XH.

Cho nên khả quan nhất, là tập trung nâng cao tỷ lệ người tham gia để lấy quỹ người đang đóng chi trả cho những người đang về hưu, các yếu tố khác chỉ là tiểu tiết, có tác động nhưng không nhiều.

Biện pháp sòng phẳng là hoàn toàn không thực hiện được!

PV:- Nhiều ĐBQH cho rằng, việc giảm lương hưu sẽ chỉ tác động vào khu vực nhà nước nhiều hơn khu vực tư nhân và đề xuất là giữ nguyên cách tính cũ?

TS Dương Xuân Triệu:- Cách tính cũ là đúng, không có gì sai, cứ tưởng lương hưu là cao nhưng thực sự không phải cao, cứ so sánh đồng hưu với xã hội thì còn thấy họ sống rất khổ, đời sống khó khăn.

Chính vì thế, phải kết hợp các chính sách XH với chuyện lương trợ cấp BHXH.

PV:- Phía Tổng liên đoàn Lao động có ý kiến rằng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chỉ nên thay đổi cách tính lương hưu khi mức đóng BHXH được tính trên tiền lương thực lĩnh (bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), thay vì chỉ tính trên lương ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

TS Dương Xuân Triệu:- Ý kiến này hoàn toàn đúng, bởi vì thực sự số tiền lương đóng BHXH theo tôi chưa có số liệu chính xác, hiện tại nó chỉ bằng 1 nửa thu nhập thực tế.

Tôi đã từng đưa ra bài toán cân đối quỹ BHXH, toàn bộ tích lũy của 30 năm chỉ đủ chi lương hưu có 6 năm là hết, thế nhưng, người về hưu hiện nay bình quân tuổi trong toàn quốc thì phải 14,5 năm. Tức là có 8,5 năm ngân sách phải chi trả, hỗ trợ, đó chỉ là tính một cách đơn thuần.

Cho nên không thể hiểu đơn thuần, đưa ra được một biện pháp sòng phẳng là hoàn toàn không thực hiện được.

PV:- Để tránh vỡ quỹ thì phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào?Muốn giải quyết thì phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thưa ông?

TS Dương Xuân Triệu:- Để tránh vỡ quỹ, theo tôi cần làm rất nhiều, thứ nhất tăng tuổi về hưu lên, tăng thời gian đóng, thời gian tích lũy, giảm tỷ lệ hưởng.

Thứ hai, ở VN không tính toán như các nước trên TG, chúng ta coi như tích lũy thời gian rất dài, sau 25 năm thì được hưởng.

Trong khi, đáng lẽ quá trình tích lũy này đã phải tính toán làm sao cho khối lượng tiền sinh sôi, nảy nở ra nhiều hơn thì quỹ sẽ phát triển, có một khoản bù vào để cân đối.

Thứ ba, đặc biệt hiện nay vì tỷ lệ tham gia còn quá thấp nên phải tăng rất nhanh tỷ lệ tham gia BHXH, cái này là trọng tâm có thể làm được ngay.

– Xin cảm ơn TS đã chia sẻ với Đất Việt!

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baodatviet.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.