Giảm gánh nặng chi phí y tế cho dân

Đang có một nghịch lý đáng báo động, khi mà tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho y tế tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng mức chi từ tiền túi của các hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi khiến cho nhiều hộ gia đình rơi vào nghèo đói ngay khi có người đau ốm.

Chi phí y tế tăng “phi mã”

Trong những năm gần đây, mức chi từ ngân sách nhà nước cho y tế đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cách đây sáu năm, vào năm 2008 ngân sách nhà nước chi cho y tế chỉ chiếm 4,92% tổng chi thì đến những năm gần đây, tỷ lệ này là 8,28%. Theo Báo cáo về thực trạng hệ thống y tế Việt Nam, mức tăng chi của ngân sách nhà nước chủ yếu để dành cho y tế dự phòng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng y tế bằng các dự án như: nâng cấp hệ thống y tế cấp huyện, tỉnh và trung ương. Ngoài ra, mức tăng chi này còn do tăng chi bảo hiểm y tế (BHYT).

Cùng với việc tăng chi từ ngân sách nhà nước, tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người dân cho các dịch vụ y tế vẫn đang “cao ngất ngưởng” so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, theo số liệu từ Tài khoản y tế quốc gia, nếu năm 2004, tính trung bình mỗi hộ gia đình phải chi 126,4 nghìn đồng mỗi tháng cho y tế thì đến năm 2010 số tiền này đã tăng lên gần gấp đôi là 243 nghìn đồng và theo xu hướng tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

So với nhiều nước có cùng điều kiện kinh tế trong khu vực thì hệ thống y tế nước ta đang kém ưu thế hơn. Thí dụ như tỷ lệ chi từ tiền túi các hộ gia đình ở Thái-lan chi phí cho y tế khoảng 13,1%, In-đô-nê-xi-a khoảng 45%, Ma-lai-xi-a khoảng 35% và trung bình chung của toàn thế giới khoảng xấp xỉ 20%. WHO đã từng khuyến cáo, để bảo đảm cho sự an toàn đối với chi tiêu gia đình thì tỷ lệ chi cho các dịch vụ y tế chỉ nên chiếm khoảng 20% đến 30% tổng chi.

Điều đáng lưu ý là việc tăng chi cho y tế có nguyên nhân không nhỏ từ sự lãng phí. Tới thời điểm này chưa có nghiên cứu tổng thể về mức độ lãng phí như thế nào, tuy nhiên Báo cáo về thực trạng hệ thống y tế ở Việt Nam do Bộ Y tế thực hiện đã thừa nhận, có nhiều sự không hợp lý dẫn đến gia tăng chi phí không cần thiết. Đó là việc sử dụng thuốc biệt dược độc quyền thay vì thuốc thông thường, sử dụng quá nhiều thuốc, chỉ định kháng sinh tràn lan, chỉ định quá nhiều xét nghiệm, không công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán giữa các cơ sở y tế… Việc thanh toán giá khám, chữa bệnh, tiền thuốc chủ yếu theo giá dịch vụ trong khi thiếu cơ chế kiểm soát số lượng và giá cả dịch vụ, bao gồm cả thuốc, dẫn đến leo thang chi phí.

Người dân bị nghèo hóa

Chi phí y tế gia tăng sẽ làm nghèo hóa người dân và tạo nên những lỗ hổng lớn trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở nước ta. WHO đã định nghĩa khi chi phí từ tiền túi của hộ gia đình bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình (là phần thu nhập còn lại của hộ gia đình sau khi đã chi cho lương thực thực phẩm) thì đó là chi phí y tế thảm họa. Tỷ lệ và số lượng các hộ gia đình ở nước ta đang phải chịu chi phí y tế thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế là tương đối cao. Mặc dù số lượng các hộ gia đình này đang giảm đi nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, số hộ gia đình chịu mức chi phí y tế thảm họa vào năm 2010 khoảng 862.661 hộ. Số lượng các hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế khoảng 563.785 hộ vào năm 2010.

Tỷ lệ chi phí từ tiền túi của hộ gia đình so với tổng chi cho y tế càng lớn thì khả năng chia sẻ rủi ro về tài chính càng ít và người nghèo càng khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Như vậy, tính công bằng của hệ thống y tế càng thấp, người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế xuất phát chủ yếu từ khả năng chi trả hơn là nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Chi phí từ tiền túi cho y tế làm cho hộ gia đình phải cắt giảm các khoản chi cần thiết khác như chi cho lương thực, thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm, chi cho giáo dục…

Điều đáng lưu ý, mức chi phí thảm họa được các nhà nghiên cứu tính toán vẫn chưa bao gồm các chi phí trực tiếp không cho điều trị như tiền đi lại, ăn, ở cho bệnh nhân và người nhà và các khoản chi không chính thức (quà biếu, “phong bì”…) trong khi đó cũng thật sự là các khoản chi lớn đối với nhiều hộ gia đình. Một phát hiện đáng lưu ý khác của WHO là chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế vẫn xảy ra ở các hộ gia đình có các thành viên có BHYT. Thực tế này cho thấy tác động bảo vệ tài chính của BHYT chưa được như mong đợi.

Chương trình khám, mổ mắt miễn phí cho người già của Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh:THANH PHAN.

Người dân cần “lưới đỡ”

Tới thời điểm hiện nay, nhiều giải pháp đang được đưa ra và thực hiện để tăng hiệu quả sử dụng các nguồn chi cho y tế và giảm gánh nặng lên vai người dân. Đó là chiến lược hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân với mục tiêu tăng độ phủ của BHYT từ 60% vào năm 2010 lên 80% vào năm 2020. Mới đây nhất, Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua mở thêm diện BHYT bắt buộc đối với một số nhóm người trong xã hội và tăng hỗ trợ mức đóng cho các hộ gia đình cận nghèo, những nhóm người trong cùng một gia đình tham gia… Thực hiện chiến lược BHYT toàn dân đang được kỳ vọng là sẽ tạo ra “lưới đỡ” tốt cho người dân đối với các dịch vụ y tế và thông qua đó, giảm dần tỷ lệ chi trả của người dân với các dịch vụ này.

Tuy nhiên trong thực tế, BHYT chỉ thực hiện được mục tiêu đó nếu sự lãng phí từ các khoản chi cho y tế được cải thiện bằng các giải pháp quyết liệt như: các bệnh viện thừa nhận kết quả xét nghiệm của nhau để hạn chế lạm thu, kiểm soát tốt việc kê đơn của bác sĩ, kiểm soát tốt giá thuốc trên thị trường… Ngoài ra, chất lượng dịch vụ đối với những người khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng cần được cải thiện mạnh mẽ hơn để thúc đẩy người dân mua thẻ và dùng thẻ này khám, chữa bệnh, thay vì phải tìm mọi cách để bỏ tiền túi ra chi trả các dịch vụ.

Vẫn còn quá nhiều khó khăn trong thiết kế và thực hiện các giải pháp giảm nhẹ gánh nặng của chi phí y tế đối với người dân. Nhưng trong khi chờ đợi những tác động tích cực của các chính sách mang tầm vĩ mô thì vẫn có thể cải thiện thực trạng trên bằng những giải pháp mang tính chuyên môn của ngành y tế. Vấn đề là các giải pháp đó có được thực hiện quyết liệt hay không mà thôi.

Chi phí từ tiền túi của hộ gia đình ở nước ta đang chiếm khoảng hơn 50% tổng chi của toàn xã hội cho các dịch vụ y tế.

 

Thực hiện chiến lược BHYT toàn dân sẽ tạo ra “lưới đỡ” tốt đối với các dịch vụ y tế và thông qua đó, giảm dần tỷ lệ chi trả của người dân với các dịch vụ này.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nhandan.org.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.