Giá tăng, chất lượng có tăng?

KTĐT – Tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/4
Tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/4, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Nam Liên cho biết, việc điều chỉnh giá DVYT tới đây sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng cần được đảm bảo an sinh xã hội.
Giảm chi trả từ tiền túi người bệnh
Theo Bộ Y tế, trong năm nay, giá DVYT sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình giai đoạn 2015 – 2016. Hiện nay, một số giá DVYT mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, chưa tính tiền lương, khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Do vậy, Nghị định 16 được Chính phủ ban hành ngày 14/2 vừa qua đã quy định lộ trình điều chỉnh giá DVYT với 3 giai đoạn. Giai đoạn gần nhất là từ nay đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Đến năm 2020 sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố.

Điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư.	 Ảnh: Thanh Hải

Điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Thanh Hải

Liên quan đến việc điều chỉnh giá DVYT liệu có gây ảnh hưởng tới người bệnh nghèo, ông Liên cho biết, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tại các huyện đảo, xã đảo và đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm chi trả 100% chi phí, nên sẽ không ảnh hưởng. Bộ Y tế phấn đấu 100% hộ cận nghèo được tham gia BHYT. Đối tượng này khi đi khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí.
Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng: Với khoảng 71% dân số có thẻ BHYT, nhưng số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi còn cao, chiếm đến 47%. Trong khi đó, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế lại chưa đáp ứng hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Ngành y tế đang phấn đấu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trong năm nay lên 75%, đồng thời giảm chi trả từ tiền túi người bệnh xuống còn 40%. Cũng theo ông Khảm, nếu giá DVYT thấp, nhiều người sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích. Tính nhân văn của BHYT là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro.
Không phục vụ tốt sẽ không có bệnh nhân
Đề cập đến tác động của việc điều chỉnh giá DVYT, ông Liên cho rằng, đối với người bệnh có thẻ BHYT sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Giá viện phí khi tính đủ sẽ khuyến khích các bệnh viện (BV) triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế. Nhờ đó, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được Bảo hiểm xã hội thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh. Còn đối với cơ sở y tế, các BV có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kít xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của DVYT, thúc đẩy xã hội hóa y tế; BV sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư trong thời gian qua.
Thậm chí, khi giá DVYT được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, BV sẽ phải tuyển dụng viên chức theo đúng định mức nhân lực, khi đó có điều kiện về nhân lực để phục vụ, chăm sóc người bệnh được tốt hơn.
Cũng theo ông Liên, nếu như trước đây, cán bộ y tế làm việc và hưởng lương Nhà nước thì nay, khi giá DVYT có thêm yếu tố tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức, buộc họ phải phục vụ tốt hơn thì mới có bệnh nhân, BV mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho đội ngũ thầy thuốc. Hơn nữa, khi giá dịch vụ được tính đủ sẽ khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích BV tư (do cũng được BHYT thanh toán), tạo sự cạnh tranh giữa các BV. Cả BV công và BV tư sẽ đều phải nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới thu hút được người bệnh.

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.