Giá dịch vụ y tế sắp tăng?

(HNMO) – So với mức giá hiện đang thực hiện, thời gian tới, giá khám, chữa bệnh y tế đối với người có bảo hiểm y tế (BHYT) tại các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ có nơi tăng, nơi giảm.

Sáng 13/1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Y tế-Bộ Tài chính-Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

BV được phân theo 5 hạng

Hội nghị do PGS.TS Phạm Lê Tuấn-Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Nguyễn Minh Thảo-Phó TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của đại diện UBND các tỉnh, thành phố; sở y tế các tỉnh, thành phố và lãnh đạo một số bệnh viện…

Theo dự thảo thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, các bệnh viện (BV) được phân theo 5 hạng: BV hạng đặc biệt, BV hạng 1, BV hạng 2, BV hạng 3, BV hạng 4.

Điểm đáng chú ý, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh thuộc BV được áp dụng mức giá theo hạng của BV (nếu thuộc trung tâm y tế 2 chức năng, có BV, BV đã được xếp hạng thì thực hiện theo hạng của BV thuộc trung tâm y tế 2 chức năng); các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện và có ký hợp đồng khá, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan BHYT (phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh độc lập không thuộc BV hoặc trung tâm y tế; phòng khám bác sĩ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền, bệnh xá…)

Giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trước mắt, mức giá theo hạng BV vẫn tính trên cơ sở 3 yếu tố chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ như mức giá hiện nay, gồm: tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện, nước, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải; duy tu bảo dưỡng. 

Riêng giá ngày giường tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ, giá một số phẫu thuật, thủ thuật tính thêm chi phí phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

Cụ thể, giá giường bệnh cho ngày điều trị hồi sức tích cực, chưa bao gồm chi phí máy thở (nếu có) là 290.000 đồng đối với BV hạng đặc biệt và hạng 1, 275.000 đồng đối với BV hạng 2; giá giường bệnh hồi sức cấp cứu là 150.000 đồng đối với BV hạng đặc biệt và BV hạng 1, các BV hạng 2, 3, 4 có mức giá lần lượt là 100.000 đồng, 55.000 đồng và 50.000 đồng; giá giường bệnh trị nội khoa như truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nhi, thận học, nội tiết lần lượt là 80.000 đồng, 70.000 đồng, 64.000 đồng, 38.000 đồng và 30.000 đối với các hạng BV từ đặc biệt đến hạng 4. Giá giường điều trị tính cho 1 người/ngày giường điều trị. Trường hợp phải nằm ghép 2 người được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người trở lên chỉ thu tối đa 30% mức thu ngày giường điều trị. Phụ cấp thường trực được cộng thêm vào ngày giường bệnh là 19.000 đồng đối với giường bệnh hàng đặc biệt và hạng 1; 10.00 đồng, 11.000 đồng và 15.000 đồng đối với giường bệnh hạng 4, 3, 2 .

Đối với các dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ có sự khác biệt giữa các hạng BV, BV hạng thấp (tuyến dưới) chỉ thực hiện các trường hợp bệnh nhẹ, đơn giản, các trường hợp nặng, phức tạp, quá khả năng chuyên môn phải chuyển BV hạng cao hơn (tuyến trên) thì giá của mỗi hạng BV chênh lệch khoảng 5%, như hạng đặc biệt cao hơn hạng 1 khoảng 5%, hạng 1 cao hơn hạng 2 khoảng 5%…

Như vậy, khi thông tư này được ban hành, sẽ có đơn vị, địa phương được điều chỉnh tăng giá khám chữa bệnh BHYT nhưng có đơn vị, địa phương phải điều chỉnh giá giá KCB BHYT đang thực hiện. Chẳng hạn, các BV hạng đặc biệt và hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế sẽ có mức giá điều chỉnh giảm từ bình quân khoảng 94,5% mức giá tối đa xuống còn bình quân khoảng 92% mức giá tối đa. 

Trên thực tế, dịch vụ KCB BHYT đang được thực hiện theo thông tư liên tịch 03/2006 và thông tư liên tịch số 04. Khi thực hiện liên tịch thông tư 04, tiến độ điều chỉnh giá không được thực hiện đồng loạt. Chẳng hạn, năm 2012, chỉ thực hiện điều chỉnh tại một số BV trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương và 45/63 tỉnh; năm 2013, 17/63 tỉnh thực hiện; năm 2014, TP HCM thực hiện.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá chưa thực hiện ở mức tối đa của thông tư 04. Nhóm 1 gồm các BV hạng đặc biệt, một số BV hạng 1 tại Hà Nội và TP HCM, giá bình quân là khoảng 94-95% mức giá tối đa của khung giá; nhóm 2 gồm các BV hạng 1 đóng tại các địa phương là khoảng 90-92%; nhóm 3 là các BV tuyến Trung ương còn lại khoảng 88%; các BV thuộc địa phương thì trong 63 tỉnh, thành phố có 5 tỉnh bình quân dưới 70%, 34 tỉnh từ 70-80%, 24 tỉnh trên 80% đến 94% khung giá.

Giá dịch vụ đã hợp lý?

Theo đại diện của Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Y tế, thời gian qua, giá dịch vụ y tế mỗi địa phương quy định một mức khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các BV cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật..) khác nhau. Ví dụ, giá BV hạng 1 ở Hà Nội, TP HCM khác BV hạng 1 tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; BV tuyến tỉnh hạng 2 tại đồng bằng khác miền núi, thành phố. Điều này đã gây mất bình đẳng trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Trong khi đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1/1/2015 yêu cầu quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc.

Tại hội nghị, vấn đề giá KCB và giá giường thu hút sự quam tâm của nhiều đại biểu. Ông Nguyễn Ngọc Hiền-Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, phương pháp tính giá tại dự thảo thông tư này tương đối phù hợp. Tuy nhiên, theo ông, giá giường nằm với bệnh nhân hồi sức tích cực là khá thấp, bởi tại phòng này cần đầu tư nhiều cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc bệnh nhân toàn diện…

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện của Trung tâm phục hồi chắc năng BV Bạch Mai cho rằng, với giá giường đối với bệnh nhân hồi sức cấp cứu 50.000-150.000 đồng/ngày/bệnh nhân là thấp, bởi có nhiều bệnh nhân nặng như trấn thương sọ não, liệt tứ chi, tổn thương tủy sống…việc chi phí hóa chất, vật tư tốn kém rồi lại chống nhiễm khuẩn, vì thế, cơ cấu giá như trên chưa hợp lý.

Ông Lê Lâm-Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu TW cho rằng, nhìn bảng giá dịch vụ mới tại dự thảo thông tư, giá một số dịch vụ giảm đáng kể so với hiện nay. Nếu mức giảm như vậy thì sẽ khó thực hiện.

Vẫn liên quan đến giá, một đại biểu của ngành y tế Bình Dương lại có thắc mắc khác. Tại dự thảo thông tư, chi phí phẫu thuật lấy thai lần đầu ở các bệnh viện các hạng khác nhau cùng là 1,5 triệu đồng nhưng giá phẫu thuật lấy thai lần thứ 2 trở lên giá lại khác nhau ở mỗi bệnh viện. Chẳng hạn như, ở BV hạng đặc biệt là 1,55 triệu đồng thì ở BV hạng 3 là 1,318 triệu đồng và BV hạng 4 là 1,24 triệu đồng. “Không biết dựa trên cơ sở nào mà ban dự thảo lại đưa ra mức chi phí phẫu thuật lần 1 giống nhau nhưng từ lần 2 trở lên lại kháchnhau”.-Đại biểu này nói.

Ngoài ra, theo ông, giá thành một số dịch vụ quá thấp, không đủ để thực hiệ như: nạo hút thai trứng là 70.000 đồng, khâu vòng cổ tử vung/tháo vòng khó chi phí là 80.000 đồng…

Một đại biểu khác cũng góp ý về giá một số dịch vụ đưa ra tại dự thảo. Ví dụ như dịch vụ nội noi tán sỏi mật, nếu tính đúng tỉnh đủ cả thiết bị, vật tư thì mức giá tại dự thảo chỉ bảo đảm được 30%, vì thế giá chưa hợp lý, cần điều chỉnh lại.

Theo đại diện của BV đa khoa Quảng Trị, dự thảo thông tư đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho BV, bởi có thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Vì vậy, ông rất mong dự thảo thông tư nhanh chóng ban hành để áp dụng.

Về giá dịch vụ KCB đối với người bệnh không có BHYT, đại biểu này cho rằng nên để cùng 1 mức giá KCB đối với cả bệnh nhân có BHYT và không có BHYT để tránh người bệnh có cảm giác bị phân biệt.

Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục chỉnh sửa thông tư. Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành và có hiệu lực trong quý 2/2015.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo hanoimoi.com.vn)
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.