Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động: Bổ sung nhiều chính sách có lợi cho người lao động

NLĐ không có quan hệ lao động sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động. Ảnh: D.H

Mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách với khu vực không có quan hệ LĐ, sử dụng quỹ kết dư bảo hiểm tai nạn LĐ (TNLĐ), chính sách bảo hiểm TNLĐ hay ban hành tiêu chuẩn về ATVSLĐ… là những nội dung quan trọng tại buổi tham vấn về dự thảo Luật ATVSLĐ vừa được UB Các vấn đề xã hội của QH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội. Dự luật sẽ được QH thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2015).

20 năm chưa cập nhật danh mục nghề rủi ro

Buổi tham vấn nhận được sự trao đổi thẳng thắn của đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản – ông Keisuke Taniguchi (Cty TNHH Canon Việt Nam) – với ý kiến: “Dự luật có phân biệt ngành nghề có yếu tố độc hại cao, rủi ro lớn nhưng sự phân biệt này chưa rõ ràng. Hiện danh mục ngành nghề nguy hiểm độc hại hơn 20 năm rồi chưa được xem xét cập nhật lại bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến bảo hiểm TNLĐ, tức là quyền lợi của NLĐ. ở Nhật Bản, tỉ lệ BH ngành nghề lắp ráp điện chỉ 0,3%, trong khi đó tỉ lệ đối với ngành kim loại, than là 8,8% – chênh nhau đến 30 lần”. Ông Keisuke cũng cho rằng, vấn đề đào tạo ATVSLĐ cần quy định rõ sự tự chủ của DN, nhất là những ngành ít có rủi ro về TNLĐ. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt cho DN thay vì các DN cứ “chạy” theo quy định cứng về số lượng đào tạo, những vấn đề này cần được “luật hóa” rõ ràng.

Về điều này, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH – cho hay, việc sửa đổi danh mục các ngành nghề rủi ro thực hiện rất chậm. Có những xét nghiệm rủi ro nghề nghiệp nguy cơ cao được thực hiện nhưng không biết đến nay các xét nghiệm đó… đang ở đâu? Còn theo ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH – hằng năm, Chính phủ đều có xem xét đánh giá để xác định ngành nghề có nguy cơ tai nạn cao để bổ sung danh mục. Tuy nhiên, do điều kiện y học hạn chế nên một số ngành nghề công nhận là nặng nhọc, độc hại đều tiếp cận theo tuyên bố quốc tế. Ông ghi nhận những đóng góp của đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản và khẳng định sẽ nêu rõ các vấn đề trên trong dự luật. Ban soạn thảo cũng tán thành với việc quy định rõ trách nhiệm đào tạo ATVSLĐ cho DN trong điều kiện các trung tâm huấn luyện không thể bao phủ hết. Việc phân loại DN có nguy cơ tai nạn LĐ từ cao đến thấp… sẽ là cơ sở để huy động sự tham gia của DN trong huấn luyện đào tạo, đồng thời là căn cứ để tính toán tỉ lệ BH TNLĐ, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho NLĐ.

Cần bảo mật thông tin về sức khỏe của NLĐ

Chuyên gia cao cấp của ILO tại Bangkok – bà Ingrid Christensen – khuyến nghị: “Việc mở rộng đối tượng sẽ là thách thức lớn, không hề đơn giản, đặc biệt với khu vực kinh tế phi kết cấu. Khi xảy ra rủi ro, NLĐ sẽ phàn nàn với ai? Vấn đề đền bù thì sao?… là những vấn đề đặt ra khi lồng ghép vào dự luật, cũng như có các phương án khuyến khích NLĐ tham gia BH TNLĐ tự nguyện”; với những ngành nghề đặc thù, rủi ro, độc hại cao, luật cần có các điều khoản bắt buộc đào tạo. Đặc biệt, NLĐ cần được bảo mật tối đa thông tin về sức khỏe, tránh tình trạng chủ sở hữu LĐ biết quá chi tiết đến sức khỏe NLĐ, dẫn đến nghi kỵ, phân biệt đối xử và đây là điều chưa làm được tại VN.

Thành viên Ban soạn thảo – ông Doãn Mậu Diệp – chia sẻ, muốn giải quyết mọi vấn đề liên quan theo ý kiến của đại diện ILO, nhất thiết phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành chức năng khác nhau. Đơn cử như xây dựng lực lượng thanh tra ATVSLĐ không thể chỉ chờ vào mỗi đội ngũ của ngành LĐTBXH, mà cần có thanh tra liên ngành. “Chúng tôi ghi nhận gợi ý của ILO là thay vì mỗi bộ ra một thông tư thực thi luật thì có thể các bộ ngồi với nhau để bàn bạc, từ đó có một bản hướng dẫn chung cho DN” – Thứ trưởng Diệp nói. Liên quan đến sử dụng kết dư Quỹ BH tai nạn LĐ cho công tác đào tạo ATVSLĐ, theo ông Bùi Sĩ Lợi, dự luật sẽ bổ sung hai chính sách cụ thể về vấn đề này, gồm hỗ trợ kinh phí cho NLĐ đào tạo lại nghề khác sau điều trị TNLĐ và hỗ trợ DN một phần để đào tạo, huấn luyện NLĐ phòng tránh đối với ngành có nguy cơ rủi ro cao.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.