Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp gia tăng

VOV.VN – Tại TP HCM còn khoảng 50.000 doanh nghiệp tư nhân sử dụng ít lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội.

Sau 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người lao động vẫn chưa được tiếp cận với loại bảo hiểm này bởi không ít doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách luật”, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thực tế này đang diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở TP HCM, nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp với hàng triệu công nhân lao động.

Dù đã có chỗ làm mới từ 2 tháng qua nhưng chị Nguyễn Thị Như Ý, 27 tuổi ở quận 12 vẫn không khỏi bức xúc khi nhắc tới rắc rối ở công ty cũ. Tốt nghiệp Đại học, xin được chân thư ký ở một Văn phòng Luật hẳn hoi, làm được gần 2 năm thì chị tình cờ phát hiện mình không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp dù lương hàng tháng vẫn ghi trích nộp đầy đủ.

Bất mãn với kiểu làm việc không ngay thẳng của một Văn phòng Luật nhưng không chấp hành luật, chị đã xin nghỉ việc ngay và tất nhiên là không được chi trả tiền bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được việc làm khác.

“Em với người bạn làm văn phòng hai đứa cùng nghỉ một đợt, cả hai đều bị công ty nợ bảo hiểm, không đóng cho mình. Khi biết người ta không sòng phẳng như thế thì mình mới bức xúc và xin nghỉ. Bao giờ cũng vậy, người đi làm cần được hưởng quyền lợi của mình, bởi vì bảo hiểm ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống, nhất là đối với những phụ nữ có gia đình, sinh con lại càng cần thiết hơn. Đặc biệt chỗ em làm là một văn phòng luật nên làm cho mình cảm thấy hụt hẫng và bị sốc”, chị Nguyễn Thị Như Ý bức xúc cho biết.

 
Quyền lợi của người lao động không được bảo vệ vì không được đóng bảo hiểm. (Ảnh: KT)

Trường hợp nêu trên là một trong số rất nhiều người lao động bị thiệt thòi do doanh nghiệp trốn tránh các khoản đóng góp thuộc về trách nhiệm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. “Chiêu” được nhiều doanh nghiệp áp dụng là chỉ ký hợp đồng thời vụ với người lao động vì theo quy định, lao động được ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên mới thuộc diện bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp. 

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông thì ký hợp đồng theo kiểu gia hạn để kéo dài thời gian người lao động được ký hợp đồng chính thức. Một số nơi thì đóng không đủ số lao động hoặc thu tiền của người lao động rồi chiếm dụng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài.

Bà Đoàn Thị Cẩm Nhung, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự Công ty Danu Vina, khu chế xuất Linh Trung 1 phân tích: Có thể là do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, có thể do họ thấy người lao động đó không gắn bó lâu với công ty nên không tham gia bảo hiểm cho người lao động mà chi trả thẳng vào lương hoặc làm cách nào đó, bởi vì khi khai báo bảo hiểm thì phải mất nhiều hồ sơ, thủ tục, giấy tờ. Bảo hiểm thất nghiệp là thiết thực với điều kiện doanh nghiệp tham gia cho người lao động phải đúng với mức thu nhập của họ, mức lương thực tế mà doanh nghiệp trả.

Từ những thực tế trên dẫn đến điều hiển nhiên là người lao động luôn bị thiệt hại nhiều nhất, trong đó tình trạng hạ thấp mức đóng bảo hiểm xã hội không đúng với tiền lương thực tế sẽ khiến cho người lao động khi về hưu, tiền lương hưu sẽ bị giảm đáng kể.

Tại TP HCM, Bảo hiểm Xã hội và Liên đoàn Lao động đã thực hiện công tác phối hợp kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện sai phạm. Riêng trong năm qua, có 35/37 doanh nghiệp được kiểm tra đã khắc phục hoàn toàn hoặc một phần nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền gần 8,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84%.

Có 3.450 lao động làm việc tại 105 doanh nghiệp bị giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn đã được hai ngành phối hợp chốt sổ bảo hiểm xã hội. Nhờ đó kịp thời bảo đảm quyền lợi của người lao động, chi trả chế độ trợ cấp kịp thời, thuận lợi. Tuy nhiên tình trạng nợ đọng bảo hiểm vẫn luôn là chuyện đau đầu của các ngành chức năng.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM cho rằng: Thứ nhất là do khó khăn doanh nghiệp không có tiền nộp. Thứ hai là có tiền nhưng không nộp bởi vì thiếu nợ lợi hơn, để đi vay ngân hàng làm ăn chuyện khác. Ba là có nợ như vậy nhưng không bị xử lý nên vẫn hoạt động bình thường, tức là luật pháp không nghiêm trị. Do vậy cần có đề xuất phạt lãi chậm nộp gấp đôi lãi suất liên ngân hàng và đưa vào bổ sung Bộ luật Hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, chứ không phải xử lý dân sự.

Như vậy là sau khi kiểm tra, phát hiện sai phạm thì việc xử lý các đơn vị vẫn còn nảy sinh nhiều hạn chế, vướng mắc. Trước hết là do sự tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của một số đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp tư nhân chưa tốt.

Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa rất khó khăn, có nơi xử lý rồi vẫn không thi hành án được. Hiện nay, TP HCM còn khoảng 50.000 doanh nghiệp tư nhân sử dụng ít lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, chưa thành lập tổ chức công đoàn, do vậy, quyền lợi của nhiều người lao động không được bảo vệ./.

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.