Có thể đóng BHXH 1 lần để hưởng lương hưu

Ảnh minh họa.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp trong cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn các nội dung được quy định tại điều 60 của Luật BHXH năm 2014.

Theo ông Diệp, quy định Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 có nhiều lợi ích so với trước đây theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu theo quy định thay vì nhận BHXH một lần. Theo đó, khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu sau này.Cũng theo quy định của Luật BHXH năm 2014, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới. Trường hợp người lao động không đủ thời gian đóng hoặc không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Thậm chí, người lao động đóng BHXH tự nguyện có thể đóng 1 lần để được hưởng lương hưu.

Cụ thể: Bổ sung phương thức đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để được hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động hoặc hạ mức sàn thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện để phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người lao động.

“Thời gian đóng BHXH trước đây vẫn được bảo lưu và cộng dồn với thời gian tham gia BHXH tự nguyện”, ông Diệp nhấn mạnh.

Trường hợp trong thời gian bảo lưu đóng BHXH mà người lao động qua đời thi thân nhân người lao động sẽ được hưởng chế độ tử tuất như đối với người đang đóng BHXH. Cụ thể: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người đó chết (Điều 66, luật BHXH); nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH một lần thì thân nhận được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Điều 67, luật BHXH); nếu chưa đủ 15 năm đóng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Ngoài ra, khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế cho người lao động (khoản 4 Điều 18, khoản 2 Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 12, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế). Cũng theo ông Diệp, trường hợp người lao động không đủ tuổi nghỉ hưu và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì vẫn có thể có “những thiết kế riêng” để xử lý.

Về câu hỏi nếu quy định mới về BHXH có lợi cho hơn cho người lao động, tại sao vẫn diễn ra cuộc đình công của công nhân Công ty TNHH PouYuen VN trong ngày 26-27.3.2015, ông Diệp cho biết: “Trong công tác tuyên truyền pháp luật, người phổ biến luật phải hiểu các lý do sau các quy định mới. Việc phổ biến không đơn thuần chỉ là nhắc lại quy định. Công tác tuyên truyền phải chỉ rõ được quy định mới tại sao lại như vậy?

Quy định mới tốt hơn quy định cũ đối với người lao động, doanh nghiệp ra sao? Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến cần ghi nhận các trường hợp cá biệt để đưa vào các hướng dẫn thực hiện các luật. Trong vụ việc này có thể không phải người lao động phản ứng với Điều 60 của Luật BHXH, điều cơ bản là họ chưa được phân tích, tuyên truyền rõ lợi ích, hơn kém của quy định bảo lưu BHXH với việc nhận BHXH một lần”.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.