Cơ hội và thách thức triển khai bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ

Nghị định Chính phủ số 67 ngày 7/7/2014 về chính sách phát triển khai thác hải sản có hiệu lực ngày 25/7/2014, trong đó có bảo hiểm tàu thuyền, trang thiết bị, ngư lưới cụ, thuyền viên khai thác hải sản xa bờ. Thuyền viên được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, tàu từ 90 đến 400 CV được hỗ trợ 70% phí bảo hiểm, tàu trên 400 CV được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm….

Phùng Đắc Lộc 

Tổng Thư ký HHBHVN

Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định nói trên, trong đó dự kiến có 3 thông tư: lựa chọn Doanh nghiệp bảo hiểm, chế độ tài chính và quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và đại diện các Doanh nghiệp bảo hiểm: Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PVI đã tiến hành khảo sát tại Nghệ An, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Đoàn đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý nguồn thủy sản, bộ đội biên phòng và gặp gỡ ngư dân tại địa phương trên để giúp cho việc xây dựng văn bản pháp quy sát với cuộc sống.

Đây là cơ hội với Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm đánh bắt xa bờ, tăng doanh thu và đóng góp vào an sinh xã hội, phát triển kinh tế biển đảo. Theo thống kê của Tổng cục thủy sản nơi quản lý các chi cục bảo vệ nguồn thủy sản các địa phương: cấp đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt thủy sản và phạm vi khai thác (vùng hoạt động) 28 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có khoảng 28.000 tàu thuyền trên 90 CV giá trị bình quân 1 tỷ đồng/tàu (Kể cả trang thiết bị ngư lưới cụ) và khoảng 300.000 thuyền viên làm việc trên tàu.

Song thách thức không nhỏ trong việc triển khai bảo hiểm:

1.         Đối với bảo hiểm thuyền viên

– Nên quy định mức trách nhiệm là 70 triệu đồng/người như với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảng trả tiền bảo hiểm theo thương tật của Bộ Tài chính ban hành kèm Thông tư 126 với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

– Với trường hợp bệnh tật tai nạn ốm đau xảy ra trên biển phải cấp cứu đưa người bệnh tật, tai nạn, ốm đau vào bờ điều trị có thể bỏ ra chi phí rất lớn ai chịu và tính toán chi phí như thế nào (xăng dầu và sản lượng hải sản không đánh bắt được trong ngày mà tàu làm công việc nói trên).

– Một tàu không có quy định về định biên. Số người cần thiết trên 1 con tàu hoạt động phụ thuộc vào cách đánh bắt và loại hải sản đánh bắt. Việc này cần được giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay tỉnh quyết định.

–  Mua bảo hiểm theo danh sách thuyền viên thì từng chuyến ra khơi thường đổi danh sách liên tục, khó theo dõi chỉ thích hợp với bảo hiểm theo chuyến. Mua bảo hiểm theo định biên nếu không có cấp thẩm quyền quy định để chủ tàu tự kê khai sẽ lãng phí tiền ngân sách nhà nước gấp 100% phí bảo hiểm khi chủ tàu kê khai vượt số người.

– Hiện nay quy định thuyền viên phải có chứng chỉ đào tạo nhưng hầu hết người lên tàu đi khai thác hải sản đều chưa được đào tạo và có chứng chỉ thuyền viên. Nếu xảy ra thiệt hại, đối tượng không có chứng chỉ có được bồi thường hay không. Nếu số người có mặt trên tàu lớn hơn định biên thì bồi thường như thế nào?

– Hiện nay thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng cấp tương đương với hạng tàu được điều khiển. Trường hợp không có bằng cấp hoặc có bằng cấp thấp hơn hạng tàu điều khiển xảy ra tai nạn có được bồi thường không?

2. Đối với tàu

– Việc xác định giá trị con tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ để mua bảo hiểm là khó khăn. Nếu mua bảo hiểm dưới giá trị (thường là chỉ mua theo số tiền bảo hiểm phù hợp với dư nợ ngân hàng chủ tàu đầu tư cho con tàu đó) thì giải quyết bồi thường như thế nào?

– Các tổn thất thiệt hại xảy ra ngoài phạm vi cấp phép hoạt động khai thác thủy sản có được bồi thường hay không?

– Các thiệt hại xảy ra do tranh chấp giữa các ngư dân Việt Nam; ngư dân Việt Nam với tàu lạ, tàu nước ngoài; tàu nước ngoài cố ý gây thiệt hại cho tàu Việt Nam được giải quyết ra sao?

– Các thiệt hại phát sinh do cầm giữ, bắt giữ tàu theo kê khai là con tàu bị cầm giữ, bắt giữ, bị sai áp về vùng kinh tế vùng biển của nước ngoài (không phải vùng tranh chấp) mới ép buộc ký biên bản vi phạm thì giải quyết bồi thường về tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, thành viên như thế nào?

– Chi phí cứu nạn, cứu hộ tàu và thuyền viên được bảo hiểm giải quyết ra sao (theo xăng dầu và định mức giờ công, ngày công hay phương pháp khác).

– Chi phí bảo lãnh giải thoát tàu và thuyền viên có được bảo hiểm không?

3. Đối với chủ tàu

– Cần làm rõ điều kiện chủ tàu phải tham gia tổ đội Hợp tác xã vì nhiều chủ tàu đã là doanh nghiệp có trên 3 tàu như 1 đội sản xuất. Cần có hướng dẫn thành lập tổ đội sao cho gắn bó lợi ích của các chủ tàu với nhau: Cùng ngư trường, cùng phương pháp đánh bắt, cùng loại thủy sản đánh bắt, cùng địa phương (cấp xã/huyện).

– Liệu chủ tàu có đủ khả năng tài chính đóng góp phần phí bảo hiểm không được ngân sách nhà nước hỗ trợ (10% hoặc 30%) trước khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm không, nếu trả chậm thì quy định như thế nào?

-Trang bị Icom cho chủ tàu còn ít. Mỗi tỉnh trợ cấp khoảng 500 Icom cho tổ đội tàu. Có nên quy định 100% tổ đội phải được trang bị Icom không. Nếu không quản lý rủi ro bảo hiểm, vùng hoạt động cung cấp thông tin tai nạn sẽ gặp khó khăn.

– Quy định chủ tàu khi gặp rủi ro thiệt hại báo tin cho ai (Bộ đội biên phòng, DNBH) bằng phương thức gì và thời gian nào, có nên thành lập mỗi tỉnh 1 trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin tai nạn cứu hộ, khai thác thiệt hại, tổn thất, sự kiện được bảo hiểm hay không?

– Có nên quy định mỗi tỉnh hoặc huyện chỉ định cơ sở giám định thiệt hại, sửa chữa thiệt hại có uy tín, đảm bảo chất lượng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ, trung khực, khách quan làm nhiệm vụ giám định và sửa chữa thiệt hại cho tàu được bảo hiểm hay không?

– Cần có những chế tài như thế nào nếu chủ tàu vi phạm hoặc quy định bồi thường thiện chí như thế nào khi không thuộc phạm vi bảo hiểm?

4. Đối với DNBH

– Quy định về vốn, kinh nghiệm, mạng lưới, cán bộ nghiệp vụ như thế nào để đủ điều kiện triển khai bảo hiểm, đảm bảo bán bảo hiểm nhanh chóng, bồi thường kịp thời đầy đủ không bị phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tiêu cực.

– Quy định về đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm như thế nào để đảm bảo không xảy ra cạnh tranh không lành mạnh.

– Quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian, địa điểm chi trả phần phí bảo hiểm cho DNBH thuộc ngân sách nhà nước tài trợ cho ngư dân như thế nào.

– Quy định về chế độ báo cáo như thế nào để phát huy chế độ quản lý nhà nước trong hoạt động bảo hiểm khai thác và phục vụ hậu cần đánh bắt xa bờ.

 Bảo Hiểm Bảo Việt (theo avi.org)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.