“Cận cảnh” những chàng rể Hàn Quốc

20 gia đình Hàn Quốc (HQ) có con dâu là người Việt Nam vừa hoàn thành chuyến về thăm quê ngoại đầy ý nghĩa và vô cùng cảm động do Quỹ Phụ nữ HQ tổ chức từ ngày 23 – 31.8 với sự tài trợ của Ủy ban Cống hiến Xã hội Bảo hiểm nhân thọ và Hãng bảo hiểm nhân thọ Samsung. Chương trình thuộc dự án “Trợ giúp trẻ thuộc gia đình đa văn hóa về thăm quê ngoại” được các tổ chức này tiến hành từ năm 2007 đến nay.

Thấu hiểu và biết ơn!

Nét hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt anh Jin Young Hwan (53 tuổi)  khi đứng bên người vợ trẻ và hai đứa con xinh xắn (bé trai 9 tuổi, bé gái 8 tuổi)  trong bộ đồ áo dài truyền thống của người Việt, chạy tung tăng trước buổi tiệc chiêu đãi với sự có mặt của ngài đại sứ Jun Dae Joo tại khách sạn Keang Nam Hà Nội – đã phản ánh một cách trung thực nhất về tình cảm của anh đối với gia đình nhà vợ.

Vợ anh, chị Vũ Thị Phượng (29 tuổi, ở Kiến Thụy, Hải Phòng)  với ánh mắt long lanh, chị kể: Cuộc sống của vợ chồng chị không phong lưu gì, nhưng chị cảm thấy hài lòng. Khi mới lấy nhau, anh làm kỹ thuật điện, chị ở nhà vừa sinh và nuôi con, vừa học tiếng để hòa nhập với cuộc sống nhà chồng, với môi trường xung quanh. Sau đó, anh bị tai nạn lao động. Chị quyết định cùng chồng “gánh vác” trách nhiệm làm kinh tế.

Gia đình sống ở  thị trấn Jinju, tỉnh Geumsan, anh chị gửi con cho bà nội trông hộ rồi thuê đất cách nhà khoảng chừng 45 phút chạy xe để trồng dâu tây theo lối công nghiệp. Sau dăm năm làm việc chăm chỉ,  đến nay, hai vợ chồng  đã mua được gần 1ha đất để canh tác. Nhà nông, làm cả ngày cũng không hết việc, vì thế, chỉ có cuối tuần anh chị mới về thăm con. Tuy nhiên, hai đứa con được bà nội chăm sóc rất tốt, đứa nào  cũng tự giác học và đạt thành tích tốt ở trường khiến cho anh chị cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc.

Hỏi chị Phượng: Trước khi lấy chồng HQ, chị có nghe thấy những chuyện cô dâu Việt bị ngược đãi không? có sợ không? Chị cười tươi: “Ở đâu mà chả có người thế nọ, người thế kia… Với lại khi gặp nhau, cả hai đứa đều cảm thấy tin tưởng nhau thì mới đi đến quyết định cưới”. Còn anh chồng Jin Young Hwan thì thay vì trả lời người hỏi lại âu yếm nhìn vợ và nói: “Anh lấy vợ muộn vì anh đợi để được gặp em…”.

Gia đình chị Phạm Thị Thương (35 tuổi) và anh Kim Jin Huan (49 tuổi) có con còn nhỏ  (bé gái 4 tuổi, bé trai 5 tuổi), vì thế chị ở nhà chăm con, một mình anh đi làm nghề lái xe lo cho cả gia đình. Cũng giống như nhiều gia đình đa văn hóa khác ở HQ, kinh tế của anh chị vẫn còn eo hẹp. Tuy nhiên, chị Thương cho biết: Mỗi dịp lễ tết, bao giờ anh cũng giục chị gửi tiền về biếu cha mẹ bên ngoại. Số tiền không nhiều, nhưng chị cảm thấy ấm lòng và biết ơn anh vô cùng vì cử chỉ đó. Cha mẹ chị, ông Phạm Đức Tiền (74 tuổi) và bà Vũ Thị Huân (70 tuổi) cùng có mặt tại buổi tiệc chiêu đãi cũng rất tự hào khi nói về người con rể của mình: “Chồng con bé rất tốt, rất quan tâm đến gia đình nhà vợ – không phải bằng kinh tế mà bằng những tình cảm thực sự. Có con gái gả vào được chỗ yêu thương, như thế là mãn nguyện rồi…”.

Đó chỉ là 2 trong số 20 chàng rể được về thăm quê vợ lần này. Nhưng câu chuyện của họ về cuộc sống với những người vợ VN đã phần nào cho chúng ta thấy được cái nhìn đầy đủ hơn, thực tế hơn về “những ông chồng HQ” – lâu nay vẫn bị không ít người hiểu lầm do một vài trường hợp đặc biệt, hy hữu xảy ra với những cô dâu Việt ở HQ.

Vì một thế hệ lãnh đạo toàn cầu tương lai

Đây là năm thứ 8  Chương trình thuộc dự án “Trợ giúp trẻ thuộc gia đình đa văn hóa về thăm quê ngoại” được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau: Thái Lan, Philippines, Mông Cổ, VN… Tính đến nay đã có 234 gia đình với 855 người được về thăm quê ngoại.  Đặc biệt, nhận rõ vai trò và yếu tố quan trọng trong mối  quan hệ, hợp tác giữa hai nước Việt – Hàn nói chung cũng như những gia đình Hàn – Việt nói riêng, từ năm 2010 đến nay, VN luôn được lựa chọn là  “điểm đến” của chương trình nhằm giúp cho các chàng rể HQ hiểu hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt, từ đó thấu hiểu, cảm thông và gắn bó  với người vợ của mình hơn.

Đại diện hãng bảo hiểm Samsung cho biết “Đây là dự án tiêu biểu cho các dự án về mảng cống hiến xã hội, đã có những phản hồi của người tham gia  rằng, thông qua dự án, chồng của họ và các con của họ vừa có thể về thăm nhà ngoại, vừa có thể thấu hiểu và hòa nhập vào mối quan hệ tình cảm gia đình”.

Còn theo bà Jo Hyeong – chủ tịch Quỹ Phụ nữ HQ thì 2 năm trở lại đây, chương trình không chỉ dừng ở đó mà bắt đầu  hướng tới thế hệ tương lai trong các gia đình đa văn hóa ở HQ, khơi gợi, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cháu phát triển, trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong xã hội HQ. 

“Những đứa trẻ mang trong mình hai dòng máu với những yếu tố truyền thống lịch sử và văn hóa đặc biệt của hai nước VN – HQ, là những đứa trẻ may mắn. Tôi mong rằng, trong tương lai, cha mẹ các em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cho các em văn hóa của hai nước để các em làm cầu nối hòa bình trên thế giới này” – bà Jo Hyeong bổ sung.

Phát biểu tại buổi chiêu đãi, ngài đại sứ Jun Dae Joo cho rằng: “VN và HQ đều là những dân tộc, những quốc gia có lòng tự tôn mạnh mẽ trong công cuộc gìn giữ và phát triển đất nước độc lập… Hơn bất cứ gia đình đa văn hóa nào khác trong xã hội đa văn hóa của HQ, các em thiếu nhi hãy chăm chỉ  học tập không chỉ lịch sử HQ mà cả lịch sử VN để trở thành những người con ưu tú, đóng góp cho hai đất nước chúng ta. Tôi mong rằng trong thời gian sắp tới, những chương trình có ý nghĩa tốt đẹp như thế này sẽ được mở rộng hơn nữa. ĐSQ HQ sẽ hỗ trợ không ngừng để con em của gia đình đa văn hóa Việt – Hàn bước ra ngoài VN và HQ để trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ 21”. 

 

 

 

Gia đình anh chị Jin Young Hwan – Vũ Thị Phượng 
Gia đình anh chị Kim Jin Huan – Phạm Thị Thương cùng bố mẹ vợ

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.