Cái “khó” của SCIC

(NDH) Đã có 12 Tập đoàn TCT đề nghị SCIC mua lại khoản đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm. SCIC cho rằng, việc phải chờ NHNN, NHTMNN “từ chối” khoản thoái vốn mới đến lượt SCIC thì những khoản đầu tư đó hiệu quả thấp, không hấp dẫn.

Một điểm chú ý trong Quyết định 51 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/9/2014 vừa qua đó là việc tham gia của SCIC và NHNN với tư cách bên mua nếu DN chào bán ra ngoài công chúng không thành công.

Theo đó, đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC có thể tham gia mua lại với giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công (trong trường hợp không bán hết); ngoài ra giá SCIC mua lại không cao hơn giá trị sổ sách trừ dự phòng đã trích lập đầy đủ.

Đối với lĩnh vực khác, SCIC căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn để xem xét mua lại với giá mua không cao hơn giá trị sổ sách trừ dự phòng đã trích lập đầy đủ.


Tuy nhiên phát biểu tại Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK diễn ra sáng nay (9/10) tại Hà Nội, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã nêu một số “cái khó” của SCIC trong việc mua lại số cổ phần nói trên cũng như một số kiến nghị với Bộ ban ngành.

Theo ông Lai, trong việc thoái vốn ngoài ngành thì các DNNN phải là người chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư để nhận chuyển nhượng các khoản đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.

SCIC chỉ tham gia xem xét mua lại theo phương thức thỏa thuận sau khi DN không thành công trong việc thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, giá mua lại của SCIC có một số hạn chế đó là không được cao hơn giá khởi điểm khi bán không thành công hoặc giá bán thỏa thuận thành công trong trường hợp bán không hết cổ phần.

Trong trường hợp không thỏa thuận được với SCIC về chuyển nhượng số cổ phần nói trên thì chủ sở hữu có thể kiến nghị Bộ Tài chính và báo cáo thủ tướng để xem xét quyết định.

Ông Lai cũng lưu ý rằng SCIC tham gia hỗ trợ hoạt động này trên cơ sở tự nguyện nên không đặt mục tiêu mua lại bằng mọi giá mà chủ động xem xét trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở thuận mua vừa bán theo nguyên tắc thị trường và chịu các hạn chế mua cổ phần như đã nói trên.

Ngoài ra SCIC sẽ tổ chức theo dõi hạch toán riêng các khoản đầu tư mua lại theo phương thức trên và được ngoại trừ khi thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp hàng năm

Liên quan đến việc SCIC mua lại cổ phần thoái vốn của các Tập đoàn, TCT theo Quyết định 51, ông Lai nêu ra một số khó khăn vướng mắc như sau:

Thứ nhất, QĐ51 tập trung vào việc thoái vốn Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng mà đầu mối là NHNN nên cơ hội của SCIC tham gia tương đối hạn chế. Lý do chỉ sau khi DN thoái vốn theo quy định hiện hành, dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách nhưng không thành công đối với các khoản thoái vốn trên 5% tại NHTM, tức là dưới 5% vốn thì SCIC mới được đề nghị mua lại do đó có thể hình dung các khoản thoái vốn nói trên nếu đến tay SCIC phần nhiều là khoản đầu tư có hiệu quả đầu tư thấp, không hấp dẫn thị trường, do đó đứng trên góc độ đầu tư là khó.

Thứ hai đối tượng SCIC tham gia mua cổ phần lần đầu theo quy định có thể rất rộng bao gồm Tập đoàn tổng công ty, các công ty con thực hiện CPH theo Nghị định 59, như vậy theo tiến độ CPH của Chính phủ thì số lượng này có thể hàng trăm, đồng thời SCIC có trách nhiệm phối hợp với ban Chỉ đạo CPH xây dựng phương án CPH, để làm tốt công việc này trong một thời gian ngắn (đến hết 2015)đòi hỏi SCIC phải có nguồn lực rất lớn cả về thời gian và nguồn nhân lực.

Thứ ba, theo quy định thời gian xem xét ra quyết định và hoàn tất việc mua CP chỉ trong tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của ban chỉ đạo CPH là quá ngắn với SCIC trong việc thẩm định đầu tư theo quy trình.

Ông Lai cho biết sau khi CP ban hành Nghị quyết 15, đã có 12 Tập đoàn TCT cung cấp thông tin và đề nghị SCIC mua lại khoản đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm.

SCIC đang triển khai xây dựng Quy chế phê duyệt để mua CP lần đầu và mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm theo Quyết định 51 tuy nhiên với đối tượng và phạm vi tham gia rộng, có nhiều điểm mới về cơ chế, để triển khai có kết quả SCIC đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, SCIC kiến nghị Bộ tài chính có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xây dựng quy chế tham gia mua cổ phần lần đầu tại DN CPH và mua lại cổ phần thoái vốn của DNNN tại lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm.

Thứ hai kiến nghị NHNN có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận cho SCIC tham gia mua lại CP tại NHTM mà không phải chờ sau khi NHNN không chấp thuận đại diện chủ sở hữu vốn, NHTM NN từ chối cơ hội mua cổ phần mới đến lượt SCIC thì hơi khó.

Thứ ba, SCIC đề nghị Chính phủ xem xét đối với việc SCIC tham gia tái cơ cấu đối với các DNNN CPH nhưng chưa có điều kiện IPO ngay thì thay vì SCIC sử dụng vốn của mình để mua cổ phần thì cho SCIC tiếp nhận vốn Nhà nước tại DN để chuyển DN hoạt động theo mô hình CTCP sau đó SCIC thoái vốn nhà nước tại DN theo quy định.

Thứ tư, cần xác định rõ việc mua cổ phần của SCIC tại các DN là quy định bắt buộc hay tùy nghi, trong trường hợp tùy nghi xác định tiêu chí đối tượng DN SCIC tham gia mua cp lần đầu để tập trung nguồn lực đồng thời xác định rõ tỷ lệ SCIC tham gia phù hợp tỷ lệ tối đa của nhà nước sau khi CPH.

Ông Lai cho rằng với cơ chế chính sách của SCIC sau 8 năm thoái vốn thành công tại hơn 600 DN và tỷ lệ bán bình quân tại các DN “trên 2 chấm” thì SCIC sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quá trình CPH theo chỉ đạo của Chính phủ.

SCIC cũng phải bán ra nửa tỷ cổ phiếu từ nay đến hết 2015

Ngày 2/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015.

Theo đóSCIC sẽ lên phương án tái cơ cấu và kế hoạch bán vốn hàng năm để đảm bảo danh mục đầu tư vốn đến năm 2015 không quá 100 doanh nghiệp nhưng vẫn tiếp tục việc tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại các DN chuyển giao từ các Bộ, địa phương.

SCIC được giữ lại và đầu tư lâu dài 4 công ty là CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Viễn thông FPT, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam.

Trong danh mục 376 doanh nghiệp mà SCIC phải thoái vốn từ nay đến năm 2015 có 66 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HoSE, Hà Nội và UpCOM. Tổng số cổ phiếu SCIC đang nắm giữ chỉ tính riêng trên sàn là hơn 553 triệu cổ phiếu (hơn nửa tỷ).


Các DN SCIC phải thoái vốn từ nay đến 2015

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.