Cái giá của mua cổ phiếu quỹ

Một số ngân hàng, công ty bảo hiểm đã liên tục thực hiện mua lại hàng chục triệu cổ phiếu quỹ.

Có nhiều mục đích được kể đến, như: chặn đà giảm giá cổ phiếu, khoản đầu tư tiền nhàn rỗi hay muốn gia tăng quyền kiểm soát… Dù vậy, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ có cả cái được – mất.

Suốt từ năm 2012 cho đến nay, cú sốc “Bầu” Kiên vẫn phủ bóng đen lên hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Á Châu và cổ phiếu ACB rớt giá thảm hại. Từ một cổ phiếu sáng giá trong ngành tài chính, giá cổ phiếu ACB đã lao dốc thẳng đứng, từ trên 24.000 đồng/cổ phiếu xuống mức 16.000 đồng/cổ phiếu và nguy cơ giảm giá thường trực.

Bi kịch cổ phiếu “nóng”

Để nâng đỡ giá cổ phiếu, khi ấy ngân hàng đã thực hiện mua vào cổ phiếu ACB làm nguồn cổ phiếu quỹ. Năm 2013, ACB đã tăng nắm giữ tới 16,18 triệu cổ phiếu quỹ. Và trong năm 2014, ACB đã đăng ký mua tổng số 51,3 triệu đơn vị qua 2 đợt chào mua, nhưng sau đó, không mua được hết vì lý do giá chưa phù hợp và… hết tiền !

Cụ thể, vào tháng 4/2014, ngân hàng đã mua được 11,7 triệu cổ phiếu ACB với giá bình quân 16,743 đồng/cổ phiếu, trị giá gần 196 tỷ đồng. Tiếp đó, cuối tháng 12/2014, ngân hàng đã mua thêm được 13,5 triệu cổ phiếu ACB, ở mức giá bình quân 15.490 đồng/cổ phiếu, tương ứng trị giá 209 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà ACB đã chi cho việc này lên tới 405 tỷ đồng. Như vậy, ACB hiện nắm giữ tới 41,41 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 4,42% vốn điều lệ.

Việc tăng mua cổ phiếu quỹ được ban lãnh đạo ACB giải thích là khoản đầu tư triển vọng, có thể bán thu lời khi giá lên. Vậy ngân hàng thực sự có lời từ khoản đầu tư vào cổ phiếu quỹ?

Theo báo cáo tài chính, đầu năm 2014, ACB nắm giữ hơn 16,18 triệu cổ phiếu quỹ có trị giá 259,4 tỷ đồng, mức giá bình quân là 16.032 đồng/cổ phiếu. Đến 30/9/2014, số cổ phiếu quỹ tăng lên tới 27,91 triệu đơn vị, trị giá 456,2 tỷ đồng với mức giá bình quân là 16.345 đồng/cổ phiếu, tức tăng thêm gần 2%.

Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ có cả cái được – mất

Còn trên thị trường, sau 2 đợt ngân hàng mua cổ phiếu quỹ, giá ACB bắt đầu tăng nhanh, từ mức 14.500 đồng/cổ phiếu (tháng 4/2014) lên 15.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 12/2014. Từ đầu tháng 1/2015 đến nay, cổ phiếu ACB bất ngờ tăng vọt lên 17.200 đồng/cổ phiếu sau khi có thêm các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh.

Nhẩm tính sơ bộ, khoản đầu tư vào 13,5 triệu cổ phiếu quỹ vừa qua, chốt giá ở thời điểm hiện tại, ngân hàng ACB đã “có lời” khoảng… 307,25 tỷ đồng!

Tuy vậy, ghi nhận trên cơ cấu tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của ngân hàng ACB đã bị giảm 456 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2014) và sẽ mất thêm 209 tỷ đồng nữa vào cuối năm 2014.

Một số cổ đông lo ngại việc chi tiền “gom” cổ phiếu quỹ sẽ khiến cân đối dòng tiền của ngân hàng thêm căng thẳng, nhất là sau sự cố tai tiếng, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh.

Cải thiện chỉ số tài chính

Trên thực tế, việc mua cổ phiếu quỹ để “đỡ” giá giảm là biện pháp được nhiều công ty áp dụng trong trường hợp giá cổ phiếu diễn biến bất lợi, nhà đầu tư bán tháo… Còn mục đích thu lợi nhuận từ khoản đầu tư vào cổ phiếu quỹ như trường hợp của ACB chỉ đạt được khi cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Như trường hợp Công ty CP Bảo hiểm dầu khí (PVI) – mã cổ phiếu này liên tục giảm giá, từ mức 21.000 đồng/cổ phiếu (tháng 8/2014) xuống còn 17.400 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Tức cổ phiếu “bốc hơi” tới 17% thị giá.

Trước diễn biến này, ngày 26/1, PVI đã bất ngờ thông qua chủ trương mua 10 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá chứng khoán. Với mức giá hiện tại, công ty này sẽ phải chi ra khoảng 174 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.

Trước đó, trong năm 2012 – 2013, PVI cũng liên tục tăng mua cổ phiếu quỹ, đơn cử: năm 2012 đăng ký mua 4,94 triệu cổ phiếu PVI nhưng chỉ mua được 16.000 cổ phiếu.

Đến 30/9/2014, PVI đã nâng tổng số cổ phiếu quỹ lên 9,08 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 3,87% vốn điều lệ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu PVI bị giảm mạnh từ 1.813 đồng xuống 1.461 đồng/cổ phiếu (cuối 2013).

Theo một số nhà đầu tư, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành, từ đó giúp cải thiện thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Đơn cử, chỉ số EPS của cổ phiếu ACB đã cải thiện, tăng lên mức 607 đồng/cổ phiếu …

Bên cạnh đó, việc mua lại cổ phiếu cũng là cách để gia tăng quyền kiểm soát của ban điều hành công ty, khi tỷ lệ cổ phiếu quỹ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn cổ phần.

Cũng có ngân hàng chọn giải pháp mua cổ phiếu quỹ để giảm bớt chi phí trả cổ tức như trường hợp tại Eximbank (mã: EIB). Ngân hàng này cũng từng dự tính mua lại 61,77 triệu cổ phiếu EIB (chiếm 5% lượng cổ phiếu lưu thông) bằng nguồn thặng dư, lợi nhuận chưa phân phối.

Sau đó, đầu năm 2014, Eximbank chỉ mua được 6 triệu cổ phiếu quỹ với chi phí hơn 78,2 tỷ đồng, trong khi dự định sử dụng tới 156,3 tỷ đồng nguồn thặng dư cho việc này.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ndh.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.