Cải cách TTHC thuế, hải quan: Đi vào thực chất

Nhằm cải cách mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính đang tổ chức triển khai và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

370 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp đã được cắt giảm. Ảnh: T.Hằng.

Cắt giảm tối thiểu 10% số TTHC thuế

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm hiện nay, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quy định tại các Luật, Nghị định và Thông tư về thuế, đã cắt giảm được 370 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp. Đồng thời, đã có trên 97% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng và trên 41.806 doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trong năm 2015, thời gian kê khai nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%… vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp quy liên quan, đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế rà soát để cắt giảm tối thiểu 10% số TTHC thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số TTHC thuế theo hướng: Giảm số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế; Sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan người nộp thuế theo nội dung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Cục Thuế, Chi cục Thuế về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90%. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế.

Ngành thuế sẽ nghiên cứu, triển khai thực hiện thí điểm tại một số tỉnh (Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu,…) kê khai điện tử, nộp điện tử đối với: Lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô, xe máy, nhà đất…; đối với hoạt động cho thuê nhà; Thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản.

Bộ Tài chính sẽ xây dựng chính sách chế độ và thí điểm thực hiện nhằm đổi mới cơ bản hơn về công tác quản lý nộp thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh (hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh; trên 17 triệu hộ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; 72.000 hộ gia gia đình có nhà cho thuê; bình quân hàng năm 2 triệu lượt người dân nộp lệ phí trước bạ…,). Theo Bộ Tài chính, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính đối với khu vực thể nhân.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành nghiên cứu thực hiện một mã số doanh nghiệp duy nhất trong quan hệ, giao dịch với tất cả các Bộ, cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các tổ chức của nhà nước (do thực tế hiện nay mới có một mã số thống nhất sử dụng chung giữa cơ quan kế hoạch đầu tư, thuế, hải quan).

Vận hành hiệu quả Cơ chế hải quan một cửa Quốc gia

Trong lĩnh vực hải quan, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Hải quan triển khai áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai cơ chế 1 cửa Quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 3 cơ quan. Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Từ chỗ thông quan 1 lô hàng có thể phải đi xin giấy phép của nhiều bộ ngành khác nhau, nay cho phép doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất. Theo tính toán sẽ cắt giảm từ 10% đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.

Về thủ tục hải quan điện tử VNACCS/VCIS, hiện đã có 34/34 Cục Hải quan, 171/171 Chi cục Hải quan thực hiện Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS với 98% số tờ khai, kim ngạch đã thông quan điện tử. Đã chính thức thực hiện Cổng thanh toán điện tử tại 34/34 Cục hải quan tỉnh, thành phố…

Về hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát hải quan, Bộ Tài chính đã lắp đặt 11 hệ thống máy soi container tại các điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa bàn trọng điểm. Đã đưa vào sử dụng 97 máy soi hành lý, hàng hóa; 19 hệ thống camera giám sát, cùng các hệ thống, thiết bị an toàn phóng xạ và các trang thiết bị kiểm tra, giám sát (máy soi hành lý, hàng hóa, cân ô tô).

Đồng thời, đưa vào vận hành Trung tâm chỉ huy trực tuyến đảm bảo giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng như của công chức hải quan ở các cửa khẩu quan trọng (TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai…).

Mục tiêu năm 2015, ngành Hải quan phấn đấu thực hiện thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đến năm 2016, phấn đấu thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới  là 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để hoàn thành và vận hành hiệu quả Cơ chế hải quan một cửa Quốc gia. Tiếp tục kết nối với nhiều bộ, ngành trước 30-6-2015 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thủ tục cần thiết để đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Hải quan Việt Nam quản lý vận hành tốt hệ thống thông quan tự động đảm bảo vận hành 24/7, an ninh an toàn, chuẩn bị xây dựng hệ thống thông tin Hải quan tập trung thống nhất theo mô hình của Nhật, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, giảm số lượng hàng hóa kiểm tra thực tế hàng hóa, đồng thời nâng cao hiệu quả kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Được biết, trong thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện kiểm tra hàng hóa sử dụng máy soi container, cổng cảng,.. bổ sung trang bị để cơ bản sử dụng phương tiện hiện đại kiểm tra, tiến tới không kiểm tra thủ công (trừ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ những địa bàn, lĩnh vực rủi ro…).

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.