Bộ Tài chính trả lời: Kiến nghị về bảo hiểm

(DĐDN) –  Đề nghị Chính phủ sử dụng bảo hiểm như là một công cụ tài chính thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư. Cần có chế độ khuyến khích các DN bảo hiểm (DNBH) mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trái phiếu của cơ quan, DN phát hành có bảo lãnh của Chính phủ.

Cán bộ làm thủ tục chi trả lương lưu và trợ cấp BHXH

Trả lời:

Bảo hiểm là công cụ phòng ngừa rủi ro, hoạt động theo nguyên tắc số đông bù số ít, trên cơ sở người tham gia bảo hiểm nộp phí, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm/tổn thất sẽ được DNBH bồi thường. Bảo hiểm không phải là công cụ chính để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư. Vốn của DNBH được đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, các trái phiếu có độ an toàn cao… Các cơ chế này đã được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với DN bảo hiêm và DN môi giới bảo hiểm, Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm và chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

– Đề nghị Chính phủ sử dụng bảo hiểm như là công cụ thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ổn định ngân sách nhà nước như: Bảo hiểm tài sản (nhất là tài sản nhà nước), bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới…

Trả lời:

Bảo hiểm là giải pháp tài chính phòng ngừa rủi ro, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ giảm bớt gánh nặng chi ngân sách nhà nước, song không thay thế cho chức năng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Ngoài các sản phẩm bảo hiểm truyền thống đang thực hiện như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính… Bộ Tài chính đã chỉ đạo mở rộng các sản phẩm bảo hiểm khác như bảo hiểm nông nghiệp, bảc hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện… Hiện nay, với hơn 800 sản phẩm bảo hiểm trên thị trường đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các DN bảo hiểm phát triển mở rộng các nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu của xã hội, trên tinh thần đảm bảo bền vũng, phòng ngừa rủi ro.

– Đề nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo cương quyết để phòng chống trục lợi bảo hiểm đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp như: Quy định hành vi trục lợi trong Bộ Luật Hình sự. Phát triển các tổ chức giám định bảo hiểm độc lập, cho phép các cơ quan giám định nhà nước được làm dịch vụ giám định theo yêu cầu. DNBH được kéo dài thời hạn giải quyết bồi thường với những vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ trục lợi bảo hiểm, đồng thời DNBH đề nghị được sự hỗ trợ của cơ quan điều tra trong các vụ việc nghi ngờ trục lợi bảo hiểm.

Trả lời:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trục lợi bảo hiểm như: Do hệ thống chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin giữa DNBH và khách hàng chưa có hoặc có nhưng chưa thống nhất nên chưa kiểm soát được hết tình trạng trục lợi bảo hiểm; hành vi trục lợi bảo hiểm mới chỉ có chế tài xử phạt vi phạm hành chính, chưa có chế tài trong Bộ luật hình sự, vì vậy tính răn đe chưa cao; quy trình giám sát nội bộ DN chưa chặt chẽ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo hiểm để chia sẻ chung giữa các cơ quan có liên quan như: DNBH, các cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm, cơ quan quản lý, giám sát y tế, cơ quan công an, cảnh sát giao thông…; nghiên cứu đề nghị bổ sung quy định một số hành vi trục lợi bảo hiểm nghiêm trọng cần xử lý hình sự trong quá trình rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, đồng thời làm việc với Cơ quan công an đề nghị hỗ trợ các DN trong điều tra các vụ việc nghi ngờ trục lợi bảo hiểm.

– Về kiến nghị kéo dài thời hạn giải quyết bồi thường với những vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ trục lợibảo hiểm: Theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hạn giải quyết do DN bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận, thời hạn giải quyết bồi thường là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Quy định này là phù họp với thông lệ quốc tế.

(còn tiếp)

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo dddn.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.